Ngày 15/9, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, cho rằng vụ phóng này đã vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và đặt ra mối đe dọa cho các nước láng giềng của Triều Tiên cũng như cộng đồng quốc tế.
Người phát ngôn bộ trên nêu rõ: "Chúng tôi vẫn cam kết về cách tiếp cận bằng ngoại giao với Triều Tiên và kêu gọi nước này tham gia đối thoại. Cam kết của chúng tôi bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn vững chắc."
Triều Tiên không ngừng phát triển hệ thống vũ khí trong bối cảnh các cuộc đàm phán nhằm giải giáp kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã rơi vào bế tắc từ năm 2019.
Các cuộc đàm phán này được bắt đầu xúc tiến giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào năm 2018.
Chính quyền của đương kim Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ tìm kiếm giải pháp ngoại giao để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên, song sẽ không tìm cách "mặc cả" với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Phản ứng trên của Mỹ được đưa ra sau khi trước đó, cùng ngày, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo ra Biển Nhật Bản.
[Vụ phóng của Triều Tiên: Giới chức Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc điện đàm]
Cùng ngày, theo Đài truyền hình NHK của Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Nobuo Kishi cho biết hai tên lửa của Triều Tiên đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản, trái ngược với tuyên bố trước đó là các vật thể này đã rơi bên ngoài EEZ.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Triều Tiên ngày 15/9 đã chỉ trích Hàn Quốc sau khi Seoul phóng thử thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tầm ngầm (SLBM) do nước này tự sản xuất.
Theo Hãng thông tấn chính thức KCNA của Triều Tiên, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là Kim Yo Jong cho biết tuyên bố của Tổng thống Moon Jae-in cho rằng hệ thống tên lửa mới của Hàn Quốc có thể ngăn chặn Triều Tiên là không phù hợp và có thể dẫn tới đổ vỡ trong quan hệ hai bên.
Tổng thống Moon Jae-in đưa ra tuyên bố trên khi thị sát vụ phóng thử tại một trung tâm thử nghiệm địa phương của Cơ quan Phát triển Quốc phòng (ADD), vài giờ sau khi Triều Tiên phóng thử hai tên lửa đạn đạo ra Biển Nhật Bản.
Thông báo của Phủ Tổng thống Hàn Quốc nêu rõ: "Sở hữu SLBM rất có ý nghĩa trong việc đảm bảo ngăn chặn những mối đe dọa từ mọi hướng và được cho đóng vai trò lớn trong khả năng tự chủ quốc phòng và thiết lập nền hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên."
Với vụ thử thành công, Hàn Quốc đã trở thành nước thứ bảy trên thế giới sở hữu tên lửa đạn đạo phóng từ tầm ngầm (SLBM) tự sản xuất./.