Mỹ Latinh trong chính sách đối ngoại của các nước lớn

Không chỉ được đánh giá là một thị trường xuất khẩu tiềm năng và một nguồn cung cấp nguyên liệu thô quan trọng, Mỹ Latinh còn được các nước lớn từng bước đưa vào bàn cờ chính trị.
Mỹ Latinh trong chính sách đối ngoại của các nước lớn ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm Cuba. (Nguồn: Getty Images)

Chỉ trong vòng một tháng, Mỹ Latinh đã trở thành điểm đến của các nhà lãnh đạo ba nước lớn gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Các chuyến thăm dồn dập trên cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của khu vực này trong chính sách đối ngoại của các nước lớn.

Với hơn 600 triệu dân, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đặc biệt là dầu khí, cùng với sự tăng trưởng kinh tế tương đối ổn định trong những năm qua, vị thế của khu vực Mỹ Latinh ngày càng gia tăng trên trường quốc tế.

Không chỉ được đánh giá là một thị trường xuất khẩu tiềm năng và một nguồn cung cấp nguyên liệu thô quan trọng, Mỹ Latinh còn được các nước lớn từng bước đưa vào bàn cờ chính trị của mình.

Trong khuôn khổ chuyến thăm một loạt đối tác ở Mỹ Latinh nhân dịp hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tại Fortaleza, Brazil, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký với các nước này hàng loạt thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Nga và Cuba đã nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, y tế, cơ sở hạ tầng và phòng chống thiên tai; ký với Brazil bảy văn kiện hợp tác và với Argentina một số thỏa thuận trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử vì mục đích dân sự.

Tại Nicaragua, Tổng thống Putin khẳng định Nga sẽ tham gia dự án xây dựng kênh đào Nicaragua lớn nhất thế giới nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, cạnh tranh với kênh đào Panama vốn đang quá tải.

Qua chuyến thăm, Tổng thống Putin còn có được sự hiểu biết của các đối tác về lập trường của Nga trong vấn đề Ukraine và Crimea. Kết quả chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác mọi mặt giữa Nga với các nước trong khu vực và đưa Mỹ Latinh trở thành một trong những hướng đối ngoại quan trọng của Nga trong thời gian tới.

Theo các nhà phân tích, ông Putin muốn sử dụng năng lượng để mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của Nga, thiết lập các liên minh trong khu vực và tách các nước Mỹ Latinh khỏi ảnh hưởng của Mỹ.

Chuyến công du cũng nhằm đưa Nga thoát khỏi thế cô lập trên trường quốc tế trong bối cảnh Mỹ và phương Tây đang gia tăng lệnh trừng phạt Moskva liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Trong khi đó, Trung Quốc ký 56 thỏa thuận hợp tác với Brazil, 20 thỏa thuận với Argentina, 38 thỏa thuận với Venezuela và 29 thỏa thuận với Cuba.

Các thỏa thuận trên thuộc các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, thương mại, tài chính, ngân hàng, hạ tầng, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học và công nghệ, khai khoáng, quốc phòng, viễn thông, y tế, văn hóa và giáo dục.

Đây là chuyến công du thứ hai của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Mỹ Latinh trên cương vị Chủ tịch nước. Việc Trung Quốc liên tiếp có hai chuyến thăm cấp cao đến Mỹ Latinh đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Bắc Kinh tới vai trò đang lên của khu vực này.

Bắc Kinh tăng cường các mối quan hệ với Mỹ Latinh trước hết là do các lợi ích kinh tế, khi nền kinh tế nước này cần các nguồn nguyên nhiên liệu và thị trường tiêu thụ hàng hóa để duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên ông Tập Cận Bình lại quyết định thành lập quỹ đầu tư với khối lượng 20 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng ở Mỹ Latinh.

Chỉ một thời gian ngắn sau sự hiện diện của các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc, từ ngày 25/7-4/8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đặt chân tới khu vực này nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ với các nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, năng lượng và phòng chống thiên tai.

Các điểm dừng chân của Thủ tướng Abe gồm Mexico, Trinidad và Tobago, Colombia, Chile và Brazil.

Do Nhật Bản cũng đang cần các nguồn nguyên nhiên liệu từ bên ngoài nên nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này dường như đang lao vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc để có các nguồn năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển ở trong nước.

Ngoài lợi ích kinh tế, Nhật Bản còn mong muốn nhận được sự ủng hộ chính trị của các nước khu vực trong cuộc chạy đua giành ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Chuyến đi Mỹ Latinh của ông Abe diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động ngoại giao trên trường quốc tế và đưa giá trị Nhật Bản ra các khu vực.

Rõ ràng, với các chuyến thăm chính thức dài ngày tại Mỹ Latinh, cả Nga, Trung Quốc và Nhật Bản đều theo đuổi những mục tiêu không chỉ trước mắt mà cả lâu dài về kinh tế và chính trị, từng bước mở rộng ảnh hưởng trong khu vực vốn được coi là “sân sau” của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục