Mỹ Latinh tiếp nhận hỗ trợ tài chính nhằm khắc phục hậu quả COVID-19

Ngân hàng phát triển Mỹ Latinh và Ngân hàng Đầu tư châu Âu thông báo sẽ cung cấp cho các quốc gia Mỹ Latinh khoản tín dụng trị giá 500 triệu USD nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19.
Kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe đang rơi vào suy thoái do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. (Ảnh: aa.com.tr)

Theo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Nam Mỹ, ngày 21/12, Ngân hàng phát triển Mỹ Latinh (CAF) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) thông báo sẽ cung cấp cho các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe khoản tín dụng trị giá 500 triệu USD nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của khu vực này trong thời kỳ hậu COVID-19.

Theo Giám đốc điều hành của ngân hàng CAF Luis Carranza Ugarte, khoản tín dụng trên sẽ được sử dụng vào việc hỗ trợ các chương trình phát triển giao thông, năng lượng, nước sạch, vệ sinh đô thị, y tế và giáo dục.

Ông Ugarte cho rằng, những tác động tích cực của việc tăng cường đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng bao gồm thúc đẩy cơ hội việc làm, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động. Đây là những yếu tố hết sức quan trọng trong việc tái kích hoạt nền kinh tế và hỗ trợ ổn định trật tự xã hội.

Về phần mình, Phó Chủ tịch EIB Ricardo Mourinho Félix nhấn mạnh khoản hỗ trợ tài chính trên có mục tiêu thúc đẩy sự phục hồi kinh tế bền vững và bao trùm, cũng như góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

[Quốc hội Mỹ công bố dự luật ngân sách và gói cứu trợ 2.300 tỷ USD]

Cùng ngày, Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB) đưa ra báo cáo trong đó nhấn mạnh ngân hàng này đã phê duyệt khoản vay kỷ lục 21,6 tỷ USD nhằm hỗ trợ 26 quốc gia thành viên ở Mỹ Latinh và Caribe đối phó với tác động kinh tế và xã hội của đại dịch COVID-19.

Theo báo cáo, đây là "một nỗ lực mang tính lịch sử" của ngân hàng này nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn chưa từng có của Mỹ Latinh, khu vực chịu tác động nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng COVID-19.

Trong bối cảnh đó, ngân hàng IDB đã tiến hành cải tổ các quy trình cho vay và hợp lý hóa hoạt động hỗ trợ tài chính, giúp kết quả giải ngân trong năm 2020 tăng hơn 55% so với năm ngoái.

Tổng cộng, IDB đã phê duyệt 12,6 tỷ USD cho các chương trình thuộc khu vực công và tài trợ 9 tỷ USD cho các dự án tư nhân tại các quốc gia Mỹ Latinh, gần gấp đôi so với năm 2019. 

Trong số đó, tổng cộng gần 8,1 tỷ USD được sử dụng để đáp ứng nhu cầu tài chính liên quan đến lĩnh vực y tế công cộng và giảm thiểu tác động kinh tế do dịch COVID-19 gây ra. Ngoài ra, ngân hàng này đã huy động được 1 tỷ USD để giúp các nước thành viên nhập khẩu và phân phối các loại vắcxin ngừa COVID-19.

Theo Chủ tịch IDB Mauricio Claver-Carone, năm 2021 sẽ là "thời điểm quan trọng” để ngân hàng này thể hiện vai trò của mình ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe. 

Ông Claver-Carone nhấn mạnh, IDB sẽ tiếp tục hợp tác với chính phủ các nước trong khu cực nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 và hỗ trợ kích hoạt lại tăng trưởng kinh tế, đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và bất bình đẳng giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục