Mỹ Latinh phụ thuộc vốn của các thành viên nhóm BRICS

Trong bối cảnh một kiến trúc tài chính thế giới mới đang hình thành, Mỹ Latinh đang phụ thuộc vào vốn của nhóm BRICS.

Theo một số nhà phân tích, trong bối cảnh một kiến trúc tài chính thế giới mới đang hình thành, một số quốc gia Mỹ Latinh đang phụ thuộc vào các khoản tín dụng của các thành viên nhóm BRICS.

BRICS tập hợp Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, là các nền kinh tế mới nổi quy mô lớn, được dự báo là có thể “thống trị” thế giới vào năm 2050.

Số liệu của Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc-Mexico của Trường đại học tự trị quốc gia Mexico cho thấy chỉ trong giai đoạn 2005-2010, gã khổng lồ châu Á này đã cấp 86 tỷ USD tín dụng cho các nước Mỹ Latinh.

Trong khi đó, thông qua Ngân hàng phát triển (Bndes), năm 2013 Brazil cho vay 80 tỷ USD, trong đó 40% dành cho các nước Mỹ Latinh khác, tuy nhiên với điều kiện các doanh nghiệp của Brazil được thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn trên.

Mặt khác, trong những năm 2005-2012, Nga cấp tín dụng 10 tỷ USD, trong đó Venezuela và Ecuador là các nước được hưởng lợi nhiều nhất tại Mỹ Latinh.

Các nước Mỹ Latinh nhận tín dụng từ các thành viên BRICS nhiều hơn tín dụng của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển liên Mỹ và Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Mỹ, là các tổ chức tài chính cung cấp vốn “truyền thống” cho Mỹ Latinh.

Năm ngoái BRICS thỏa thuận thành lập ngân hàng phát triển của khối này với vốn đạt 100 tỷ USD trong 5 năm, để tài trợ các dự án hạ tầng của các thành viên cũng như các đồng minh. Các nước Mỹ Latinh nóng lòng được hưởng lợi từ sáng kiến này.

Khu vực Mỹ Latinh có nhu cầu nhận tín dụng nhanh chóng và dễ dàng cho các dự án của mình, như Nicaragua muốn xây dựng một kênh đào quy mô hơn kênh đào Panama với chi phí khoảng 40 tỷ USD, hoặc Venezuela muốn vốn vay để thực hiện các chương trình xã hội và hạ tầng cơ sở.

Bất luận ngân hàng trên có được thành lập hay không thì Trung Quốc, Brazil và Nga đều là các đối tác thương mại chủ chốt của khu vực.

Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Brazil và Chile và lớn thứ hai của Peru, Cuba và Costa Rica.

Theo giáo sư kinh tế Trường đại học tổng hợp Jawaharlal Nehru ở New Delhi, Ấn Độ, các nước BRICS bắt đồng quan điểm trong một số lĩnh vực, thế nhưng họ có chiến lược toàn cầu chung và đồng thuận trong việc mở rộng ảnh hưởng của khối, và ngân hàng phát triển của khối sẽ trở thành một cầu nối với Mỹ Latinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục