Mỹ Latinh là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ lạm phát

IMF dự báo lạm phát tại Mỹ Latinh sẽ ở mức 9,3% trong năm nay và 7,8% trong năm 2022, dưới tác động nặng nề của COVID-19, những khó khăn của chuỗi cung ứng cũng như những vấn đề tồn tại lâu nay.
Người dân trên phố ở Sao Paulo, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Năm 2021, Mỹ Latinh là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ lạm phát, trong đó hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Brazil và Mexico ghi nhận mức tăng kỷ lục trong hàng thập kỷ.

Lạm phát cũng làm trầm trọng hơn vấn đề giá cả đắt đỏ dai dẳng ở Argentina.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát tại Mỹ Latinh sẽ ở mức 9,3% trong năm nay và 7,8% trong năm 2022, dưới tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, những khó khăn của chuỗi cung ứng cũng như những vấn đề tồn tại lâu nay của khu vực.

Tính đến cuối tháng 11/2021, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh là Brazil ghi nhận tỷ lệ lạm phát tăng 10,74% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu 3,75% của Ngân hàng Trung ương.

Cũng như nhiều nền kinh tế khác, Brazil đã chịu ảnh hưởng từ biến động giá nhiên liệu, trong đó giá xăng đã tăng vọt 50,7% trong 12 tháng trở lại đây. Các nhà kinh tế dự báo lạm phát ở Brazil sẽ lên mức 10,18% trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 2015.

Cùng lúc, lạm phát tại Mexico đã tăng lên 7,37%, mức cao nhất trong 20 năm qua, do giá các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng leo thang.

Con số này cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 3% của Ngân hàng Trung ương, cơ quan này đã phản ứng bằng cách nâng lãi suất 5 lần liên tiếp, dù vẫn khẳng định rằng "lạm phát chỉ có tính chất nhất thời."

Trong khi đó, Chính phủ Mexico cho rằng lạm phát tăng là hiện tượng “nhập khẩu” từ Mỹ, đối tác thương mại chính của nước này.

Venezuela ghi nhận lạm phát trong 11 tháng của năm 2021 ở mức 631,1%. So sánh với cùng kỳ năm 2020, lạm phát tại quốc gia này tăng phi mã 1.197,5%.

Những con số này sẽ là “thảm họa” ở bất kỳ quốc gia nào nhưng đối với Venezuela lại là dấu hiệu đáng mừng. Quốc gia này đã chìm trong siêu lạm phát từ tháng 11/2017 và để vượt qua tình trạng này, Venezuela cần 12 tháng liên tiếp có chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 50%.

Tháng vừa qua đánh dấu tháng thứ 11 Venezuela hoàn thành mục tiêu này, do đó có thể hy vọng chấm dứt “thời kỳ đen tối” nếu tình hình suôn sẻ vào tháng cuối năm.

Trong năm nay, đáng chú ý nhất là việc Venezuela đưa vào sử dụng đồng bolivar điện tử vào tháng 10 vừa qua, sau khi loại bỏ 6 số 0 từ đồng tiền trước đó. Venezuela đã thực hiện đổi tiền 3 lần trong thế kỷ này.

Lạm phát cao cũng là một trong những vấn đề kinh tế vĩ mô chính vẫn tồn tại ở Argentina. Trong 2 thập kỷ qua, nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latinh đều đặn ghi nhận lạm phát ở mức 2 con số, và chỉ có một vài ngoại lệ hiếm hoi.

Tháng 11 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Argentina tăng lên 51,2% và có khả năng đạt mức 51,1% trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức lạm phát 36,1% trong năm 2020 và mục tiêu 29% của Ngân hàng Trung ương.

Giới phân tích cho rằng chính sách được chính phủ áp dụng nhằm xoa dịu tác động của đại dịch COVID-19 và thúc đẩy nền kinh tế sau cuộc suy thoái nặng nề trong giai đoạn 2018-2020 đã thúc đẩy giá cả tăng cao, buộc Ngân hàng Trung ương phải phát hành tiền để tài trợ cho kho bạc.

[WB lo ngại kinh tế Mỹ Latinh khó phục hồi sau đại dịch COVID-19]

Trong khi đó, Chính phủ Argentina cho rằng lạm phát cao là một vấn đề "đa nhân quả" chứ không nhất thiết chỉ là vấn đề tiền tệ, và đã chọn cách giữ giá quy định ở mức thấp hoặc cố định giá cả trong các sản phẩm tiêu dùng hàng loạt, như thực phẩm và thuốc.

Tại Chile, lạm phát đã tăng 6,7% trong tháng 11/2021, mức cao nhất trong 13 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Thanh khoản cao do trợ cấp xã hội và chính sách rút lương hưu sớm nhằm giảm thiểu tác động kinh tế do đại dịch gây ra là những động lực chính khiến giá cả tăng cao. Áp lực lạm phát khiến Ngân hàng Trung ương Chile nâng lãi suất cơ bản lên 4%, mức cao nhất kể từ năm 2014.

Mặc dù tình hình ổn định hơn các nước khác trong khu vực, Colombia cũng không tránh khỏi sự gia tăng lạm phát nói chung. Đến tháng 11/2021, CPI đã tăng 4,86% so với cùng kỳ, cao hơn mục tiêu 3% của Ngân hàng Trung ương.

Những nguyên nhân chính là đồng nội tệ mất giá và tiêu dùng được kích hoạt lại sau đợt suy giảm do đại dịch trong năm 2020, khi chỉ số CPI giảm kỷ lục 1,61%. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo đợt tăng lương, thuế phí và lương hưu vào đầu năm tới sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát.

Triển vọng cũng cân bằng hơn ở Peru. Trong tháng 11/2021 mức tăng lạm phát đã giảm xuống 5,66% sau khi đạt đỉnh 5,83% vào tháng 10/2021, trong bối cảnh giá khí đốt và nước sinh hoạt tăng lần lượt 10,5% và 3,4%.

Kỳ vọng lạm phát của đất nước này trong năm 2021 là 3,71%, nhỉnh hơn mục tiêu 3%. Ngân hàng Dự trữ Peru (tức ngân hàng trung ương) cho rằng lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Lạm phát gia tăng cũng không làm giảm kỳ vọng tăng trưởng kinh tế trong khoảng 8,5-12,7% trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục