Nhiều nhà lãnh đạo và các tín đồ Công giáo trên thế giới đã hoan nghênh Hồng y Jorge Mario Bergoglio được bầu làm Giáo hoàng mới của Tòa thánh Vatican, kêu gọi ông làm việc vì hòa bình và hòa giải tôn giáo. Theo phóng viên TTXVN tại Havana, khu vực Mỹ Latinh đón nhận tin Mật nghị Hồng y chọn Hồng y Jorge Mario Bergoglio làm Giáo hoàng mới với những cảm xúc đan xen giữa niềm vui, tự hào và hy vọng vì đây là lần đầu tiên, người đứng đầu Tòa thánh Vatican đến từ Mỹ Latinh. Hầu hết các nguyên thủ khu vực này đã nêu bật sự kiện một người Mỹ Latinh đầu tiên được bầu chọn làm người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã, trong khi các giám mục và giới chức nhà thờ ở khu vực đánh giá cao những phẩm chất của Giáo hoàng Francis I. Tổng thống Argentina Cristina Fernadez chúc mừng tân Giáo hoàng với mong muốn ông hoàn thành sứ mệnh cao cả vì công lý, bình đẳng, thân ái và hòa bình đối với nhân loại. Tại thành phố Buenos Aires, quê hương của tân Giáo hoàng và là nơi ông giữ chức Tổng Giám mục giáo phận cho đến khi được bầu làm Đức Thánh cha, hàng vạn giáo dân đã đổ ra đường ăn mừng khi tên của ông được xướng lên. Chủ tịch Cuba Raul Castro gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới tân Giáo hoàng. Trong khi đó, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff cho biết nếu tân Giáo hoàng tới Brazil dự Ngày Thanh niên Thế giới vào tháng 7 tới thì đó sẽ là biểu hiện củng cố truyền thống tôn giáo của Brazil và tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa nước này và Vatican. Trên trang mạng Twitter, Tổng thống Ecuador Rafael Carrea viết "Francis muôn năm," trong khi Tổng Giám mục San Salvado, Jose Luis Escobar cho rằng "Chúa đã để mắt tới Mỹ Latinh." Về phần mình, Tổng thống Panama Ricardo Martinelli cho biết sẽ tới chào Giáo hoàng Francis I ở Rome và mời Đức Thánh cha tới thăm Panama. Tại Chile, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Chile Ricardo Ezzati cho biết tân Giáo hoàng là một người thông thái và nhân ái. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barak Obama nhận xét ông Bergoglio là "quán quân" về bảo vệ người nghèo và những người dễ bị tác động nhất trong xã hội. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon cho biết tổ chức do ông đứng đầu và Giáo hội Cơ đốc giáo La Mã chia sẻ các tiêu thúc đẩy hòa bình, công bằng xã hội, nhân quyền và xóa bỏ nghèo đói. Ông Ban Ki-Moon nhấn mạnh Liên hợp quốc và Giáo hội Cơ đốc giáo La Mã chỉ có thể giải quyết được những thách thức đan xen của thế giới ngày nay thông qua đối thoại.
Chào đón tân Giáo hoàng.
Từ châu Âu, Chủ tịch thường trực Liên minh châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso kêu gọi Giáo hoàng Francis I nỗ lực làm cho người dân và các tôn giáo trên thế giới xích lại gần nhau hơn, trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng hy vọng của hàng triệu tín đồ ở Đức và trên thế giới giờ đây phụ thuộc vào Giáo hoàng mới. Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết Paris muốn theo đuổi đối thoại tin cậy với tân Giáo hoàng. Cùng ngày, Thủ tướng Australia Julia Gillard đánh giá việc bầu chọn Giáo hoàng Francis là một sự kiện "thực sự có ý nghĩa lịch sử," mang lại niềm vui cho các tín đồ Cơ đốc giáo nước này, đặc biệt những tín đồ Australia gốc Argentina. Tại châu Phi, Chủ tịch Hội nghị giám mục Công giáo Nam Phi cho biết mọi giáo dân ở đây kỳ vọng Giáo hoàng Francis sẽ làm được những điều lớn lao. Tổng Giám mục Stephen Breslin cho rằng động thái chọn Giáo hoàng mới là người Mỹ Latin là nguồn động viên lớn đối với các giáo dân trong khu vực, đặc biệt ở những nước đang phát triển. Tân Giáo hoàng Francis I sinh ngày 17/12/1936 trong một gia đình trung lưu tại Buenos Aires. Năm 2001, ông được Giáo hoàng John Paul II tấn phong làm Hồng y và ngay trong năm đó đã được bầu vào Thượng Hội đồng Giám mục. Theo kế hoạch, lễ nhậm chức của Giáo hoàng mới sẽ diễn ra vào ngày 19/3 tới./.
(TTXVN)