Mỹ Latinh - Có phải là “con tốt” trong cạnh tranh Mỹ-Trung?

Thay vì chọn phe Mỹ hay Trung Quốc, các quốc gia Mỹ Latinh nên tìm cách khai thác những lợi thế mà sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa các siêu cường mang lại.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Food Business News)

Theo trang mạng bloomberg.com, Mỹ Latinh đang kẹt giữa sự thù địch Mỹ-Trung ngày càng gay gắt và phải đối mặt với những lựa chọn địa chính trị, thương mại và phát triển không hề dễ dàng.

Tuy nhiên, việc hai cường quốc này đang ngày càng không ngừng dành sự quan tâm cho khu vực có thể đem đến cho các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh cơ hội mang lại lợi ích cho người dân và nền kinh tế nội địa thông qua giao thiệp, đàm phán và khi có thể, là tránh sự lựa chọn hơn-thua giữa hai đối thủ cạnh tranh.

Từ lâu Mỹ đã là siêu cường thống trị trong khu vực. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc đã gia tăng tầm quan trọng và sức ảnh hưởng trong khu vực, trở thành một trong những khách hàng thương mại lớn nhất của Mỹ Latinh.

Sự phát triển ngoạn mục của các ngành công nghiệp và thành phố lớn của Trung Quốc - vốn cần đến một nguồn cung lớn các mặt hàng như đồng, quặng sắt, đậu nành, thịt lợn và hàng chục sản phẩm khác - là động lực để các quốc gia như Brazil, Chile, Peru và Uruguay giao thương với Trung Quốc nhiều hơn bất kì đối tác nào khác.

Trung Quốc cũng đã trở thành một nhà đầu tư quan trọng và đáng tin cậy đối với khu vực. Dù nguồn vốn từ Mỹ phong phú hơn, các công ty Trung Quốc mới là những nhà thầu xây dựng các cây cầu qua kênh đào Panama, đường cao tốc ở Argentina, cảng biển ở Peru và lưới điện ở Brazil.

Trung Quốc sở hữu những mỏ đồng lớn nhất ở Peru, một nửa thị trường phân phối điện ở Chile, nhiều mỏ vàng ở Argentina và đang mua lại đất trồng đậu nành ở Brazil.

Các ngân hàng của Trung Quốc đã cho Mỹ Latinh vay hơn 140 tỷ USD trong hơn hai thập kỷ qua, nhiều hơn tổng các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển liên Mỹ và Ngân hàng Phát triển Mỹ Latinh (CAF).

[Trọng tâm của cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ: Phục hồi hay tăng trưởng?]

Trung Quốc đã bỏ ra một khoản tiền lớn cho các mục tiêu công. Bốn quốc gia chuyển từ sự công nhận ngoại giao đối với Đài Loan sang Trung Quốc trong vòng 15 năm qua đã được Bắc Kinh rót vốn xây dựng các công trình như trung tâm hội nghị, thư viện, bệnh viện và sân vận động.

Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012, ông đã đến thăm gần 11 quốc gia trong khu vực, gần bằng với tổng số 12 quốc gia mà Tổng thống Obama đã đến thăm trong 2 nhiệm kỳ của mình.

Cùng với đó, Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên đã gửi những liều vaccine đến Mỹ Latinh, và tính đến nay đã bán cho khu vực rất cần lá chắn phòng COVID-19 này khoảng 165 triệu liều vaccine Sinovac.

Sự quan tâm và những động thái tiếp theo đó của Trung Quốc đã thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm và đồng thơi nâng cao sự thịnh vượng cho khu vực.

Tuy nhiên, về cơ bản, Trung Quốc vẫn là một đối thủ cạnh tranh kinh tế. Ảnh hưởng thương mại ngày càng lớn của Trung Quốc đang kìm hãm sự phát triển kinh tế của Mỹ Latinh. Xung đột này có thể thấy rõ nhất ở Mexico, nơi các sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc đang góp phần bóp nghẹt ngành công nghiệp giày dép, may dệt và đồ chơi nội địa.

Từ quốc gia này sang quốc gia khác, các nhà sản xuất Mỹ Latinh ngày càng thua lỗ trong khi Trung Quốc có xu hướng mua nguyên liệu thô đầu vào để các nhà máy và công nhân của họ chế tạo thép, xi măng, máy tính xách tay và phụ tùng ôtô.

Thành phẩm có giá trị gia tăng sau đó được chuyển đến Mỹ Latinh, và cạnh tranh với các nhà sản xuất địa phương. Thực tế này đang đẩy nhanh điều mà nhà kinh tế học Dani Rodrik, làm việc tại Đại học Harvard, gọi là “quá trình phi công nghiệp hóa sớm” toàn khu vực, nơi các lĩnh vực sản xuất dần bị thu hẹp trước khi nền kinh tế có thể tận dụng chúng để tăng bậc trên nấc thang kinh tế-xã hội và công nghệ.

Xét về tính minh bạch và năng lực quản trị, gã khổng lồ châu Á có nhiều chiêu trò đáng nói. Các hợp đồng cho vay của Trung Quốc vô cùng bí mật. Các công ty Trung Quốc nhiều lần vi phạm luật lao động, các quy định về môi trường và nhân quyền, như đàn áp thợ mỏ ở Peru, di dời cưỡng bức các gia đình người bản địa ở Ecuador, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước sông và sông băng ở Argentina, Bolivia cũng như Chile.

Những hỗ trợ tài chính bền bỉ mà Trung Quốc dành cho Venezuela phản ánh rằng điều mà họ quan tâm là dầu mỏ chứ không phải là mức độ dân chủ và công bằng xã hội tại quốc gia này.

Vừa phải vật lộn với sự hiện diện “hai mặt” của Trung Quốc, giờ đây các quốc gia Mỹ Latinh còn phải đối mặt với thực tế là Mỹ luôn cứng rắn với mọi vấn đề liên quan tới Trung Quốc.

Sự đồng thuận lưỡng đảng duy nhất tại Mỹ hiện nay là mối đe dọa Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động chỉ là sự bắt đầu của của một chính sách ngăn chặn quy mô hơn.

Chính quyền Tổng thống Biden duy trì phần lớn các mức thuế này và bổ sung các biện pháp trừng phạt, cũng như kiểm soát xuất-nhập khẩu để kiềm chế các đối thủ công nghiệp và công nghệ.

Trong khi đó, Quốc hội Mỹ tìm cách tự lực nguồn sản xuất nội địa chất bán dẫn và hàng chục loại khoáng chất quan trọng để cạnh tranh với tham vọng công nghệ của Trung Quốc.

Các đồng minh được Mỹ yêu cầu tham gia mặt trận này. Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có thể xem là những cuộc đàm phán toàn diện nhất cho đến nay, được thiết kế để thúc đẩy hợp tác về thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế, quản trị dữ liệu và an ninh mạng thông qua một Hội đồng Công nghệ và Thương mại mới được công bố.

Anh, Đức và Slovakia là vài trong một tập hợp nhiều quốc gia quyết định loại bỏ hoặc hạn chế sử dụng công nghệ Trung Quốc trong hệ thống viễn thông của mình.

Ở phía bên kia Thái Bình Dương, Mỹ và Nhóm Bộ tứ đã tăng cường ngoại giao, hợp tác trong các vấn đề từ hàng hải đến khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và phân phối vaccine.

Trước lời kêu gọi của Washington, các quốc gia Mỹ Latinh cũng có thể tận dụng sự quan tâm của Mỹ để thu về lợi thế cho mình. Lợi ích đã thấy rõ trong lĩnh vực y tế.

Dù Mỹ chậm trễ trong việc xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19, tính đến nay quốc gia này đã viện trợ hơn 38 triệu liều vaccine cho khu vực Nam Mỹ, giúp hàng chục triệu người được tiêm chủng.

Về cơ sở hạ tầng, các mạng viễn thông đang là lĩnh vực được chú trọng phát triển. Chính quyền Tổng thống Trump đã chỉ trích Colombia, Mexico, Peru và các quốc gia khác vì sử dụng các thiết bị của Huawei.

Chính quyền Tổng thống Biden đang gay gắt phản đối việc Brazil đưa Huawei trở lại cuộc đấu thầu xây dựng hạ tầng 5G sắp tới (sau khi Bắc Kinh viện trợ một lô vaccine).

Để đối phó với những đề nghị này, Mỹ Latinh có thể yêu cầu Mỹ cung cấp các lựa chọn thay thế cho hệ thống 5G, đảm bảo tài trợ cho cơ sở hạ tầng này cùng các dự án khác, khởi động bằng việc tăng cường khoản cho vay từ Tập đoàn Phát triển Tài chính Quốc tế Mỹ và các thể chế đa phương khác.

Ở bình diện kinh tế lớn hơn, Mỹ Latinh có thể tận dụng yêu cầu của Mỹ đòi hỏi các nước khu vực chia tách với chuỗi cung ứng sản phẩm và các ngành công nghiệp quan trọng khỏi Trung Quốc để củng cố và đa dạng hóa nền kinh tế của mình.

Báo cáo về chuỗi cung ứng của chính phủ Mỹ mới công bố gần đây đã ghi nhận mức tăng nguồn cung đồng và lithium từ Chile và Argentina, cũng như niken và mangan từ Brazil.

Khu vực này có tiềm năng trong các lĩnh vực quan trọng khác đối với các mục tiêu an ninh quốc gia của Mỹ, như dược phẩm và các phương tiện chạy bằng điện. Chính phủ và khu vực tư nhân tại các quốc gia Mỹ Latinh nên đề xuất Washington có các biện pháp khuyến khích nhằm tái định vị chuỗi cung ứng sang các đối tác phía Tây bán cầu.

Về phương diện chính trị, chính phủ coi trọng các giá trị hơn dưới thời Biden ưu tiên vấn đề quyền lợi cho người lao động, chống tham nhũng và dân chủ trong việc định hình quan hệ với khu vực Mỹ Latinh. Nỗ lực này cũng tạo ra cơ hội cho các nền dân chủ cùng chí hướng, vì phần lớn người dân Mỹ Latinh không ủng hộ sự độc tài của Trung Quốc.

Sự hậu thuẫn của Mỹ có thể giúp các nhà cải cách Mỹ Latinh thúc đẩy sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và cởi mở hơn trong các giao dịch thương mại, với cả các nhà đầu tư Trung Quốc.

Mỹ Latinh là một khu vực của các quốc gia tầm trung, vốn không có nhiều khả năng chống đỡ khi những đề xuất trở thành điều bắt buộc. Trong Chiến tranh Lạnh, các quốc gia Mỹ Latinh thường giống như những con tốt trên bàn cờ. Xung đột giữa Mỹ và Liên Xô là giai đoạn đen tối của khu vực.

Các cuộc khủng hoảng địa chính trị trước đây là một lý do khác để các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh cố gắng duy trì sự cân bằng trước các cường quốc. Thay vì chọn phe, các quốc gia này nên tìm cách khai thác những lợi thế mà sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa các siêu cường mang lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục