Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 20 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-20) diễn ra ở thủ đô Lima của Peru, 7 nước Mỹ Latinh cam kết sẽ tái trồng gần 20 triệu hécta rừng từ nay đến năm 2020 nhằm góp phần làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do nạn phá rừng và thay đổi mục đích sử dụng đất gây ra.
Thỏa thuận có tên gọi "Sáng kiến 20x20" (Initiative 20x20), đạt được trong cuộc họp có sự tham dự của bộ trưởng nông nghiệp và môi trường đến từ 7 nước Mỹ Latinh gồm Chile, Colombia, Costa Rica, Ecuador, Guatemala, Mexico và Peru.
Trong số này, Mexico đưa ra cam kết lớn nhất với việc sẽ tái trồng 8,5 triệu hécta rừng, tiếp đến là nước chủ nhà Peru với 3,2 triệu hécta rừng, Guatemala 1,2 triệu hécta và Colombia 1 triệu hécta.
Ba quốc gia còn lại là Ecuador, Chile và Costa Rica lần lượt cam kết trồng 500.000 hécta, 109.000 hécta và 50.000 hécta.
Để giúp các nước trên hoàn thành cam kết tái phủ xanh rừng, các quỹ đầu tư môi trường tư nhân như Althelia Climate Fund, Moringa Fund... đã cam kết hỗ trợ "Sáng kiến 20x20" 365 triệu USD.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nông nghiệp Peru Juan Manuel Benites Ramos cho biết diện tích rừng của Peru đang biến mất với tốc độ nhanh chóng do tình trạng khai thác mỏ bất hợp pháp, chăn thả quá mức, chặt phá rừng để trồng cây coca và săn bắn.
Cũng trong khuôn khổ cuộc họp, các nước Mỹ Latinh thông qua kế hoạch bảo tồn khu vực Patagonia trải dài từ phía Nam Argentina đến Chile nhằm khôi phục 4,1 triệu hécta rừng.
Mỹ Latinh là một trong những khu vực bị tổn thương nhiều nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu. Trong năm ngoái, diện tích rừng ở khu vực này đã bị giảm mạnh do tình trạng khai thác gỗ, trồng cây nông nghiệp và khai mỏ.
Theo thống kê, hơn một nửa lượng khí phát thải hàng năm ở Mỹ Latinh và các nước Caribbeen, khoảng 2 giga tấn CO2, là sản phẩm của việc thay đổi mục đích sử dụng rừng và đất.
Hội nghị COP-20 diễn ra từ ngày 1-12/12 tại Peru với sự tham dự của các quan chức đến từ 196 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC).
Đây là hội nghị cuối cùng trước thời hạn chót cho việc đạt được một hiệp định mới về khí hậu tại vòng thảo luận năm sau ở Paris (Pháp), thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2020.
Hiệp định mới sẽ phải là một văn kiện tổng quan, tham vọng và mang tính ràng buộc pháp lý nhằm đưa cả Mỹ và Trung Quốc - hai ống khói của thế giới - tham gia để có thể hoàn thành mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân gây ra hiện tượng Trái Đất nóng lên hiện nay./.