Mỹ: Lãnh đạo công ty công nghệ sẽ điều trần về quyền miễn trừ pháp lý

Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ trình lên quốc hội đề xuất nhằm giảm bớt các biện pháp bảo vệ pháp lý đối với các công ty công nghệ lớn như Facebook hay Alphabet và Twitter.
Mỹ: Lãnh đạo công ty công nghệ sẽ điều trần về quyền miễn trừ pháp lý ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ ngày 1/10 đã nhất trí bỏ phiếu thông qua kế hoạch tống đạt trát hầu tòa đối với các Giám đốc điều hành (CEO) của các công ty công nghệ Twitter, Google (thuộc tập đoàn Alphabet) và Facebook để điều trần về quyền miễn trừ pháp lý mà các công ty công nghệ trực tuyến này đang được hưởng.

Theo dự kiến, phiên điều trần có thể sẽ được tiến hành trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11 tới, trong đó thảo luận về việc điều chỉnh Mục 230 Đạo luật về Khuôn phép Truyền thông năm 1996, vốn được xem là sự bảo vệ dành cho các công ty công nghệ trước những trách nhiệm pháp lý đối với những nội dung do người dùng đăng tải.

Trước đó, ngày 23/9, Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ trình lên quốc hội đề xuất nhằm giảm bớt các biện pháp bảo vệ pháp lý đối với các công ty công nghệ lớn như Facebook hay Alphabet và Twitter, buộc các doanh nghiệp này phải gánh vác thêm trách nhiệm quản lý nội dung trên các nền tảng của mình.

Đề xuất này dựa trên hai mục tiêu chính mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump và Bộ Tư pháp Mỹ đã phác thảo hồi tháng Sáu vừa qua là khuyến khích các nền tảng trực tuyến chủ động xử lý các hành vi bất hợp pháp và quản lý nội dung trên trang web một cách công bằng và nhất quán.

[Mỹ: Đề xuất hạn chế quyền miễn trừ trách nhiệm của công ty công nghệ]

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, đề xuất trên nhằm điều chỉnh Mục 230 Đạo luật về khuôn phép truyền thông năm 1996, qua đó có thể sẽ không cho phép các công ty công nghệ được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm theo mục này nếu họ không đảm bảo một số tiêu chuẩn nhất định, ví dụ như các công ty tạo điều kiện để các hành vi tội phạm xảy ra hoặc biết mà không báo cáo và ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp.

Mục 230 Đạo luật về khuôn phép truyền thông năm 1996 vốn cho phép các công ty Internet có quyền kiểm soát khá rộng các trang web của mình, đồng thời giúp các công ty này tránh phải chịu trách nhiệm pháp lý liên quan đến những hành vi/hành động của người dùng.

Cũng theo đề xuất này, các công ty Internet sẽ không được miễn trừ trách nhiệm trong các vụ việc liên quan tới lạm dụng trẻ em, lạm dụng tình dục trực tuyến, khủng bố hay theo dõi trên không gian mạng (cyberstalking).

Về phần mình, các công ty công nghệ đã lên tiếng phản đối việc thay đổi hay bãi bỏ Mục 230, cho rằng nhờ luật này mà các nền tảng trực tuyến có thể phát triển mà không lo ngại liên đới trong các vụ việc pháp lý.

Bà Elizabeth Banker, đại diện Hiệp hội Internet, tổ chức mà nhiều công ty công nghệ lớn như Facebook hay Twitter đều là thành viên, cho rằng nếu theo đề án này, ngay cả nhận xét về một bài đăng của một cá nhân cũng có thể khiến một diễn đàn trực tuyến hay một cá nhân đối mặt với vô số vụ kiện tụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục