Mỹ lại đe dọa áp thuế, thương mại hai bên bờ Đại Tây Dương 'dậy sóng'

Washington đe dọa Paris bằng kế hoạch áp dụng biện pháp áp thuế 100% đối với khối lượng lớn hàng xuất khẩu của quốc gia châu Âu này, trong đó có hàng xa xỉ, rượu vang với giá trị lên tới 2,4 tỷ USD.
Sản phẩm rượu Champagne tại một nhà máy ở Epernay, miền đông Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trước việc Pháp áp đặt thuế kỹ thuật số - điều mà Nhà Trắng coi là không công bằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa áp dụng các biện pháp đánh thuế nhập khẩu mới đối với các sản phẩm của Pháp, trong khi đó Liên minh châu Âu (EU) tỏ rõ quan điểm sẵn sàng hậu thuẫn cho Paris.

"Sấm sét" hai bên bờ Đại Tây Dương

Những ngày đầu tháng 12/2019, "sấm sét" lại nổ trên bầu trời hai bên bờ Đại Tây Dương khi Washington tung ra những lời đe dọa đối với Paris bằng kế hoạch áp dụng biện pháp áp thuế 100% đối với khối lượng lớn hàng xuất khẩu của quốc gia châu Âu này, trong đó có những mặt hàng xa xỉ và đặc biệt là rượu vang với giá trị lên tới 2,4 tỷ USD.

Động thái này diễn ra sau khi một cuộc điều tra do phía Mỹ tiến hành đã kết luận rằng thuế kỹ thuật số của Pháp (được biết đến với tên gọi là thuế GAFA) tạo ra sự "phân biệt đối xử” đối với các công ty công nghệ của Mỹ như Google, Apple, Facebook và Amazon.

Hồi tháng 7/2018, Pháp đã quyết định áp thuế 3% đối với các công ty có doanh thu toàn cầu hàng năm được tạo ra bởi các hoạt động kỹ thuật số ở mức hơn 750 triệu euro, trong đó có ít nhất 25 triệu euro được thực hiện trên lãnh thổ Pháp.

[Ngón đòn thuế quan của ông Trump và cuộc chiến mới với châu Âu]

Phát biểu với giới báo chí tại Paris, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết chính sách thuế của Pháp không nhằm vào một quốc gia hay công ty cụ thể nào.

Ông Le Maire giải thích luật này dựa trên chính sách "thuế công bằng" đối với các hoạt động kỹ thuật số trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 30 công ty có liên quan, bao gồm các công ty của châu Âu, Trung Quốc và Mỹ.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) ở Biarritz, Pháp, hồi tháng 8/2018, hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Emmanuel Macron đã đạt được thỏa thuận giảm căng thẳng trong 3 tháng, và vào cuối tháng 11 vừa qua, thỏa thuận trên đã hết hạn.

Ngay lập tức, Mỹ quay trở lại cuộc tấn công với việc tiến hành một cuộc điều tra theo Điều 301, vốn từng kết luận rằng thuế dịch vụ kỹ thuật số của Pháp là một dạng phân biệt đối xử với các công ty Mỹ.

Trong một thông cáo, Chính quyền của Tổng thống Trump tuyên bố kết quả điều tra cũng cho thấy sắc thuế này "không phù hợp với các nguyên tắc thuế hiện hành” vì tính hồi tố và hình thức áp dụng dựa trên doanh thu hơn là thu nhập.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer còn cho rằng chính sách đánh thuế đối với các dịch vụ kỹ thuật số từ Áo, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể là đối tượng của một cuộc điều tra tương tự.

EU đồng thuận đứng sau Pháp

Quan điểm của EU là tìm kiếm "các cuộc thảo luận ngay lập tức để giải quyết vấn đề này một cách thân thiện" nhằm ngăn chặn vụ việc được đưa ra trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết EU đang muốn giải quyết tranh chấp với Mỹ về các mức thuế kỹ thuật số của Pháp "một cách thân thiện," song nếu Washington muốn áp đặt các biện pháp thuế quan đối với Paris thì phản ứng của EU sẽ là thống nhất hậu thuẫn cho nước Pháp.

Người phát ngôn của EC đảm bảo rằng EU sẽ "hành động và phản ứng như một thực thể và vẫn đoàn kết."

Trong trường hợp các cuộc đàm phán thất bại, vấn đề tranh chấp về thuế quan giữa hai đối tác thương mại này sẽ phải được giải quyết trong khuôn khổ WTO.

Người phát ngôn EC cho rằng đây chính là nơi tốt nhất để giải quyết các tranh chấp kiểu này.

Châu Âu luôn khẳng định sẽ đứng sau các quốc gia thành viên khi họ phải chịu các biện pháp trừng phạt trong một tranh chấp thương mại.

Tháng 8/2018, khi Chính quyền Tổng thống Trump lần đầu tiên đe dọa áp thuế đối với Pháp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khi đó nói rằng châu Âu sẽ "đáp trả tương xứng."

Bộ trưởng Pháp Le Maire nhấn mạnh nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối tìm giải pháp hòa giải và áp đặt thuế chống lại Pháp, EU sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả ở cấp độ châu Âu. Nếu việc áp đặt thuế quan của Mỹ thành hiện thực, EC sẽ phải tiếp nhận trách nhiệm xử lý vấn đề hóc búa này.

Ngoài các biện pháp chống lại sắc thuế kỹ thuật số của Pháp, Chính quyền Tổng thống Trump cũng đe dọa sẽ tăng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa của châu Âu trị giá 7,5 tỷ USD, trong bối cảnh có sự tranh chấp về bảo trợ đối với nhà sản xuất máy bay của châu Âu Airbus.

Cuộc chiến Boeing-Airbus sẽ tiếp tục là vấn đề gây căng thẳng hai bên bờ Đại Tây Dương, khi vào đầu năm tới, WTO dự kiến sẽ cho phép EU áp thuế đối với Mỹ để trả đũa hành động trợ cấp của Mỹ cho Boeing trong những năm qua.

Trước đây, EC đã đề nghị bỏ qua các mức thuế đối kháng mà mỗi bên có quyền áp đặt để tìm giải pháp đàm phán cho cuộc chiến chống trợ cấp cho ngành hàng không. Tuy nhiên, Chính quyền Mỹ không đồng ý với đề xuất của châu Âu.

Xói mòn tiến trình cải cách thuế quốc tế

Sau "phát súng cảnh cáo" đối với Airbus và rượu vang Pháp, lời đe dọa trừng phạt mới này đặt ra câu hỏi về sự hỗ trợ của Mỹ trong công cuộc cải cách thuế quốc tế dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Được hỗ trợ bởi 134 quốc gia, thỏa hiệp được đề xuất vào tháng 10 bởi OECD đã được các Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đồng ý.

Tổ chức này đề xuất tiến hành các cải cách chuyên sâu về thuế trên bình diện quốc tế với tham vọng kiểm soát tốt hơn các hoạt động kỹ thuật số.

Theo yêu cầu của Chính quyền Mỹ, dự án không nhắm mục tiêu cụ thể vào kỹ thuật số, nhưng mang lại nhiều trọng lượng hơn cho các quốc gia tiêu dùng trong việc xây dựng cơ chế phân bổ thuế.

Về mặt chính thức, Mỹ vẫn đang tham gia vào tiến trình cải cách quan trọng này. Tuy nhiên, nhiều tín hiệu cho thấy Washington có thế có động thái đưa nước Mỹ rút khỏi thỏa thuận.

Ủy viên châu Âu về thị trường chung và kỹ thuật số, Thierry Breton, cho biết Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã đề cập tới khả năng nước Mỹ rút khỏi tiến trình cải cách quan trọng này. Về phần mình, ông Le Maire kêu gọi Mỹ làm rõ lập trường của họ.

Ông Le Maire lưu ý rằng Pháp sẵn sàng rút lại sắc thuế của mình ngay khi có một thỏa thuận liên quan đến đề xuất của OECD về thuế kỹ thuật số trên toàn thế giới.

Ông cho biết Pháp sẵn sàng chấp nhận đề xuất của OECD và nếu Mỹ cũng làm tương tự thì khi cuộc tranh luận kết thúc, đó cũng là lúc chấm dứt những trở ngại giữa Pháp, Mỹ và EU.

Các mối đe dọa trả đũa thương mại của Mỹ đối với các sản phẩm của EU đã gia tăng trong thời gian gần đây, theo các quyết định thất thường của Tổng thống Trump.

Vào tháng 3/2018, Mỹ áp 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ EU vì lý do hoàn toàn bảo hộ.

Ông Trump cho rằng ngành thép của Mỹ đã suy giảm bởi hàng thập kỷ thương mại không công bằng.

Tháng 5/2018, Nhà Trắng đe dọa sẽ áp thuế bổ sung đối với nhập khẩu ôtô châu Âu nếu các cuộc đàm phán giữa Washington và Brussels không dẫn đến một thỏa thuận thương mại mới.

Tại trung tâm chuyển giao máy bay Airbus ở Colomiers, miền Tây Nam Pháp ngày 27/9/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kể từ ngày 18/10 vừa qua, lần này với quyết định của WTO, Mỹ đã áp thuế trừng phạt đối với các khoản trợ cấp dành cho nhà sản xuất máy bay Airbus: 10% đối với máy bay dân dụng nhập khẩu từ EU và 25% cho các sản phẩm khác, bao gồm rượu vang, phô mai, càphê và ôliu.

Trong cuộc gặp tại thủ đô London (Anh) hồi đầu tháng 12, Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Pháp đã cố gắng giảm bớt áp lực, song không thông báo rõ ràng một lối thoát.

Tổng thống Donald Trump nói: “Chúng tôi có một tranh chấp nhỏ. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể sẽ vượt qua nó.”

Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố ông cho rằng “Với Tổng thống Trump, hai bên có thể giải quyết tình huống này.”

Trên thực tế, công chúng sẽ phải chờ đến đầu tháng 1/2020 để có thể được chứng kiến một quyết định cuối cùng về đề xuất gây căng thẳng cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương của phía Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục