Mỹ lạc quan về mục tiêu đẩy mạnh sản xuất chip trong nước

Tháng 8/2022, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật CHIPS và Khoa học, trong đó có khoản trợ cấp 52,7 tỷ USD cho hoạt động sản xuất, nghiên cứu và phát triển lực lượng lao động ngành bán dẫn.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)

Ngày 26/2, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã bày tỏ tự tin rằng nước này có thể xây dựng chuỗi cung ứng để sản xuất các chip tiên tiến, bao gồm phát triển công nghệ đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, bà Raimondo cho biết các khoản đầu tư sản xuất của Mỹ sẽ giúp nước này sản xuất khoảng 20% chip logic hàng đầu thế giới vào cuối thập kỷ này, từ mức 0% hiện nay. Đây là loại chip xử lý thông tin để hoàn thành nhiệm vụ.

Hơn 600 công ty đã thể hiện sự quan tâm đến nguồn tài trợ. Tuy nhiên, các công ty bán dẫn tiên tiến đã yêu cầu 70 tỷ USD, gấp đôi số tiền tài trợ liên bang 28 tỷ USD hiện dành cho các dự án như vậy.

Do đó, Mỹ sẽ “ưu tiên các dự án vận hành vào năm 2030” khi đầu tư vốn cho hoạt động sản xuất chip tiên tiến. Bộ đang tiến hành đàm phán với từng công ty.

Bà Raimondo lưu ý rằng AI đã trở thành nhân tố "thay đổi cuộc chơi" trong việc thúc đẩy nhu cầu về chip bán dẫn tiên tiến.

Mặc dù Mỹ dẫn đầu về thiết kế chip và phát triển các mô hình ngôn ngữ AI lớn, nhưng nước này không tự sản xuất hoặc đóng gói các chip tiên tiến cần thiết để AI vận hành, kể cả những con chip cần thiết cho lĩnh vực quốc phòng.

Bà nhận định Mỹ sẽ không thể dẫn đầu thế giới với tư cách là quốc gia hàng đầu về công nghệ và đổi mới nếu không thể tự sản xuất chip. Với các khoản đầu tư trên, Bộ trưởng Raimondo bày tỏ tin tưởng rằng Mỹ sẽ thành công trong việc phát triển công nghệ chip nhớ tiên tiến nhất, đây bộ phận quan trọng cho các hệ thống AI tại nước này.

Tháng 8/2022, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật CHIPS và Khoa học, trong đó có khoản trợ cấp 52,7 tỷ USD cho hoạt động sản xuất, nghiên cứu và phát triển lực lượng lao động ngành bán dẫn.

Trong tháng này, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kế hoạch tài trợ trực tiếp cho nhà sản xuất chip GlobalFoundries 1,5 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất chip trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục