Mỹ kỳ vọng Hàn Quốc nhượng bộ nhiều hơn về chi phí quân sự

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, trong những tuần gần đây phía Mỹ đã thể hiện sự mềm dẻo đáng kể để đạt được một thỏa thuận và Mỹ trông đợi sự thỏa hiệp hơn nữa từ Chính phủ Hàn Quốc.
Mỹ kỳ vọng Hàn Quốc nhượng bộ nhiều hơn về chi phí quân sự ảnh 1Binh sỹ thuộc Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) làm nhiệm vụ tại căn cứ quân sự Yongsan ở Seoul, Hàn Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27/4 cho biết Washington đang tìm kiếm “sự thỏa hiệp hơn nữa” từ Hàn Quốc trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự song phương.

Hãng tin Yonhap dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu giấu tên cho biết: “Mỹ vẫn cam kết hoàn tất một thỏa thuận có thể chấp nhận được đối với cả hai bên. Quan điểm từ lâu của chúng tôi là Hàn Quốc có thể và nên đóng góp nhiều hơn."

Theo người phát ngôn này, trong những tuần gần đây phía Mỹ đã thể hiện sự mềm dẻo đáng kể để đạt được một thỏa thuận và Mỹ trông đợi sự thỏa hiệp hơn nữa từ Chính phủ Hàn Quốc.

[Đối thoại Quốc phòng Hàn-Mỹ tập trung vấn đề chia sẻ chi phí quân sự]

Phát biểu trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước cho biết ông đã từ chối đề nghị của Hàn Quốc tăng đóng góp của Seoul thêm ít nhất 13% từ năm tới.

Ông Trump cho rằng quốc gia đồng minh châu Á này cần chi trả nhiều hơn cho hoạt động đồn trú của 28.500 binh sỹ Mỹ ở nước này.

Kể từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ chi phí tài chính duy trì sự hiện diện của Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) theo Thỏa thuận về các biện pháp đặc biệt (SMA), bao gồm các chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự, hỗ trợ hậu cần và chi phí để duy trì 28.500 binh sỹ USFK tại quốc gia Đông Bắc Á này.

Theo thỏa thuận, năm 2019, Hàn Quốc đóng góp 870 triệu USD, tăng 8,2% so với năm trước đó.

Từ tháng Chín năm ngoái đến nay, Seoul và Washington đã tiến hành tổng cộng 6 vòng đàm phán.

Vòng đàm phán song phương mới nhất diễn ra tại Washington hồi tháng Một vừa qua không thể hóa giải những khác biệt trong một số điểm then chốt, như tổng mức đóng góp tài chính của Seoul và việc gia hạn thỏa thuận SMA, đã hết hạn cuối năm ngoái.

Liên quan vấn đề trên, Quốc hội Mỹ ngày 27/4 công bố báo cáo nhận định Hàn Quốc và Mỹ đã thể hiện không nhất quán trong hợp tác về chính sách khi hai bên chưa thể đạt được thỏa thuận chia sẻ chi phí phòng thủ.

Yonhap dẫn báo cáo của Cơ quan khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cho biết Seoul và Washington nhìn chung đã giải quyết được những bất đồng về thương mại và chính sách liên quan Triều Tiên, nhưng căng thẳng vẫn tồn tại trong nhiều lĩnh vực khác.

Trong báo cáo cập nhật với tựa đề "Hàn Quốc: Tổng quan và Các mối quan hệ với Mỹ," CRS nhận định: "Hợp tác chính sách giữa Mỹ và Hàn Quốc không nhất quán dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump và chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in.

Gần đây nhất, Thỏa thuận SMA liên quan chia sẻ chi phí đồn trú lính Mỹ tại Hàn Quốc đã hết hạn vào cuối năm 2019, và các cuộc đàm phán sau đó không đạt được sự thỏa hiệp nào," từ đó dẫn tới hệ quả hơn 4.000 nhân viên Hàn Quốc làm việc cho USFK buộc phải nghỉ việc không lương.

Báo cáo của CRS cũng đề cập khái quát những diễn biến mới nhất trong quan hệ song phương Mỹ-Hàn Quốc, cho rằng có nhiều quan ngại tại quốc gia Đông Bắc Á này về mối quan hệ đồng minh tồn tại nhiều thập kỷ qua giữa Washington và Seoul.

Ngoài ra, báo cáo cũng điểm lại vắn tắt các chính sách đối nội, đồng thời đánh giá tích cực năng lực ứng phó với đại dịch COVID-19 của Hàn Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục