Mỹ ký thỏa thuận hợp tác chống trốn thuế với Bỉ

Mỹ và Bỉ sẽ thiết lập khuôn khổ trao đổi thông tin tài chính tự động giữa hai nước để ngăn chặn các hành vi trốn thuế của công dân Mỹ đang làm ăn, sinh sống tại Bỉ.
Mỹ ký thỏa thuận hợp tác chống trốn thuế với Bỉ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: etftrends.com)

Cơ quan Dịch vụ công của Bỉ ngày 28/4 cho biết nước này và Mỹ đã ký thỏa thuận thực thi Đạo luật tuân thủ nghĩa vụ thuế đối với các chủ tài khoản nước ngoài (FATCA).

Tham dự lễ ký tại thủ đô Brussel có Bộ trưởng tài chính nước chủ nhà Koen Geens và đại diện của Đại sứ quán Mỹ Mark Storella.

Thông qua thỏa thuận, hai bên nhất trí sẽ thiết lập khuôn khổ trao đổi thông tin tài chính tự động giữa hai nước để ngăn chặn các hành vi trốn thuế của công dân Mỹ đang làm ăn, sinh sống tại Bỉ.

Trong tuyên bố, Cơ quan Dịch vụ công của Bỉ cho biết việc ký kết thỏa thuận khẳng định sự quyết tâm của Bỉ trong việc mở rộng diện trao đổi thông tin tài chính tự động nhằm đưa hoạt động này thành tiêu chuẩn toàn cầu mới giúp ngăn chặn hiệu quả các hành vi trốn thuế quốc tế.

Để chuẩn bị cho việc thực thi thỏa thuận, các nghị sỹ Bỉ đã soạn thảo một văn kiện pháp lý đặc biệt trình Quốc hội.

FATCA được chính phủ Mỹ ban hành tháng 3/2010 nhằm phát hiện và ngăn ngừa các hành vi trốn thuế ở nước ngoài. Cụ thể, FATCA sẽ giúp các cơ quan chức năng Mỹ ngăn chặn việc công dân Mỹ lợi dụng các tổ chức tài chính nước ngoài để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế đối với các tài sản và thu nhập ở nước ngoài.

FATCA quy định tất cả các tổ chức tài chính nước ngoài phải thông báo thông tin về các chủ tài khoản Mỹ ở nước ngoài cho Sở thuế vụ Mỹ (IRS) để cơ quan này áp mức thuế khấu trừ 30% đối với tất cả các khoản thu nhập trực tiếp hay gián tiếp từ Mỹ.

Hiện chính phủ Mỹ đã ký thỏa thuận thực thi FACTA với 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nước lớn như Pháp, Anh, Italy, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Đức, Ireland, Nhật Bản, Mexico, Na Uy, Thụy Sĩ, hay các "thiên đường thuế" như Jersey, Guernsey và đảo Man của Vương quốc Anh.

Mỹ đang nỗ lực đàm phán để ký tiếp thỏa thuận với hơn 50 quốc gia khác trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục