Nông nghiệp sẽ là một phần nội dung trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cho dù Brussels có muốn thảo luận về vấn đề này hay không.
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue đã đưa ra tuyên bố trên ngày 30/7, qua đó khẳng định quyết tâm của Washington theo đuổi nội dung này trong quá trình giải quyết tranh chấp thương mại với EU bất chấp Ủy ban châu Âu (EC) từng tuyên bố phản bác.
Phát biểu trước báo giới, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp Mỹ nhấn mạnh nông nghiệp là vấn đề Washington đặc biệt quan tâm trong đàm phán thương mại với EU, song ông cũng để ngỏ khả năng khối thị trường chung này có thể loại nội dung này khỏi bàn đàm phán.
Theo ông Perdue, châu Âu dường như đã tăng nhập khẩu đậu nành từ Mỹ, song thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker còn bao trùm nhiều nông sản khác.
Ông bày tỏ tin tưởng những cam kết đã đạt được sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn hoạt động thông thương giữa EU và Mỹ.
Hôm 25/7 vừa qua, trong cuộc gặp tại Washington, Tổng thống Trump và Chủ tịch Juncker đã đạt được một thỏa thuận phối hợp để tăng cường thương mại trong các lĩnh vực dịch vụ, hóa chất, dược phẩm, sản phẩm y tế và đậu tương. Theo đó, EU sẽ bắt đầu mua đậu tương từ Mỹ.
[EU: Nông nghiệp không nằm trong thỏa thuận thương mại với Mỹ]
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ khẳng định hai bên sẽ giải quyết vấn đề liên quan đến thuế nhôm, thép và các biện pháp trả đũa song phương hiện nay.
Chủ tịch EC cũng cho biết hai bên đã xác định một số lĩnh vực hợp tác theo hướng "không thuế quan, không rào cản phi thuế quan và không trợ cấp ở lĩnh vực hàng công nghiệp phi tự động."
Nhiều ngành sản xuất của Mỹ và EU cho đến nay vẫn gặp nhiều vướng mắc trong việc giải quyết các vấn đề liên quan rào cản thương mại và trợ cấp.
Trước đó, ngày 27/7 vừa qua, một người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định lĩnh vực nông nghiệp sẽ không nằm trong phạm vi các cuộc thảo luận giữa Mỹ và EU.
Việc Trung Quốc tăng thuế đối với một số hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, trong đó có mặt hàng đậu tương, nhằm đáp trả chính sách thuế của Washington, đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến người nông dân xứ cờ hoa.
Ngoài việc tìm đầu ra cho đậu tương, Washington đã công bố khoản hỗ trợ 12 tỷ USD cho các hộ nông dân chịu ảnh hưởng do giá đậu tương sụt giảm.
Trong khi đó, trước nhu cầu đậu tương từ Trung Quốc, giá đậu tương giao tháng Tám tới của Brazil đã tăng lên 402,5 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 30/7, trong khi giá đậu tương của Mỹ là 340 USD/tấn./.