Mỹ không rời bỏ vị trí trên bàn đàm phán về biến đổi khí hậu

Khác với suy nghĩ của nhiều người, Washington vẫn đứng chung mặt trận với châu Âu và những nước giàu có khác trong một số nội dung quan trọng về việc làm thế nào triển khai hiệu quả Hiệp định Paris.
Mỹ không rời bỏ vị trí trên bàn đàm phán về biến đổi khí hậu ảnh 1Khói mù ô nhiễm bao phủ thành phố Los Angeles, California, Mỹ ngày 21/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Khác với những gì nhiều người suy nghĩ, quyết định hồi tháng 6/2017 của Tổng thống Donald Trump về việc rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã không hoàn toàn cô lập và chấm dứt sự tham gia của Washington vào các cuộc đàm phán quốc tề về vấn đề này.

Quyết định rút lui của Mỹ sẽ không có hiệu lực trước năm 2020.

Trong thời gian đó, các nhà ngoại giao Mỹ không rời bỏ vị trí trên bàn đàm phán và tiếp tục tham gia tích cực vào các nội dung trao đổi.

Vào tuần tới, ở Ba Lan sẽ diễn ra cuộc đàm phán quốc tế về biến đối khí hậu trong đó có sự tham gia của phái đoàn Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và nhiều nước khác.

Phái đoàn đàm phán của Mỹ sẽ không do một quan chức cấp cao dẫn đầu mà là một nhà ngoại giao không được biết đến nhiều, bà Judith Garber, Phó Trợ lý Ngoại trưởng tại Vụ Các vấn đề khoa học-môi trường quốc tế và đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.

Toàn bộ phái đoàn cũng đều là các nhà ngoại giao kỳ cựu đã tham gia đàm phán về khí hậu trong nhiều năm và có danh tiếng cũng như uy tín trong lĩnh vực này trên quốc tế.

Alden Meyer, Giám đốc Chính sách và chiến lược tại Liên đoàn Các nhà khoa học quan tâm, cho biết Mỹ không hề bị cô lập trong nhóm các quốc gia phát triển trên bàn đàm phán về biến đổi khí hậu.

Sự thật lại ngược lại, Washington vẫn đứng chung mặt trận với châu Âu và những nước giàu có khác trong một số nội dung quan trọng về việc làm thế nào triển khai hiệu quả Hiệp định Paris.

Đơn cử là quan điểm phản đối "không gì có thể lay chuyển" của Mỹ về việc các nước phát triển nào phải chịu những quy định khí thải nghiêm ngặt hơn so với các nước đang phát triển.

Một nguồn thạo tin giấu tên cho biết cho đến nay, các chuyên gia của Mỹ luôn thể hiện thái độ đóng góp tích cực trên bàn đàm phán. Quốc tế cần phải chấp nhận rằng lập trường hiện tại của Washington là ủng hộ nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các bên không thể tiếp tục làm việc với nhau.

Việc các nước tiếp tục hợp tác với chuyên gia Mỹ bất chấp thái độ của Nhà Trắng phản ánh hy vọng của cộng đồng quốc tế về khả năng Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris.

Washington sẽ chính thức rời khỏi thỏa thuận ký kết năm 2015 này vào ngày 4/11/2020, một ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tiếp theo.

Theo ông Meyer, cộng đồng quốc tế muốn tạo điều kiện để nếu ông Trump rời nhiệm sở, người lãnh đạo kế tiếp của nước Mỹ sẽ không gặp nhiều khó khăn khi trở lại Hiệp định Paris.

Hoặc ngay cả trong trường hợp Tổng thống Trump thay đổi lập trường của mình đối với vấn đề biến đổi khí hậu, Washington cũng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục