Theo Reuters, khi được hỏi về vai trò Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 20/6 cho biết Washington không đề cử ứng cử viên cụ thể nào cho vị trí này.
Trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Anh James Cleverly ở London, ông Blinken nói: "Chúng tôi không thúc đẩy, đề bạt bất kỳ ứng cử viên cụ thể nào. Chúng tôi đang tham vấn rất chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của mình để xác định hướng đi mà chúng tôi muốn với NATO và ban lãnh đạo của tổ chức này."
Trước đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 15/6 đã để ngỏ khả năng kéo dài nhiệm kỳ, trong bối cảnh các quan chức cấp cao từ các nước thành viên công khai tán thành ý tưởng này - bao gồm cả một trong những người tiềm năng kế nhiệm ông.
Nhiệm kỳ của ông Stoltenberg đã kéo dài 3 lần và ông sẽ mãn nhiệm vào tháng Chín, sau 9 năm làm Tổng thư ký NATO.
Tuy nhiên, NATO đã gặp nhiều khó khăn để tìm ra người kế nhiệm có thể nhận được sự đồng thuận cần thiết của 31 thành viên, trải dài từ Mỹ qua châu Âu đến Thổ Nhĩ Kỳ.
[Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg để ngỏ khả năng kéo dài nhiệm kỳ]
Khi được hỏi liệu ông có bị thuyết phục ở lại trong chuyến thăm Washington tuần này hay không, Tổng Thư ký Stoltenberg nói: "Tôi chịu trách nhiệm về mọi quyết định mà liên minh này phải đưa ra, ngoại trừ một quyết định. Và đó là về tương lai của tôi. Đó là quyết định của 31 đồng minh."
Theo truyền thống, vị trí này thuộc về một nhân vật chính trị cấp cao của châu Âu, song không ai có thể đảm nhận vị trí này nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, cường quốc chiếm ưu thế trong NATO.
Hồi tháng Hai, ông Stoltenberg, cựu Thủ tướng Na Uy, tuyên bố ông không tìm cách kéo dài nhiệm kỳ của mình.
Phát biểu với các phóng viên ngày 15/6 bên lề cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO tại Brussels, ông Stoltenberg khẳng định điều này vẫn đúng. Tuy nhiên, ông đã nhiều lần từ chối cho biết ông sẽ làm gì nếu được các thành viên NATO yêu cầu ở lại./.