Mỹ không còn giữ vai trò kiến tạo hòa bình ở Trung Đông?

Theo một số chuyên gia, Washington chưa bao giờ là một nhà trung gian công bằng trong cuộc xung đột ở Trung Đông. Mỹ chỉ hành động theo hướng nghiêng về lợi ích của Israel.
Quang cảnh ngôi làng Khan al-Ahmar của người Palestine ở Bờ Tây ngày 13/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tân Hoa Xã cho biết theo nhận định của giới chuyên gia chính trị Ai Cập, những quyết định gần đây của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump - theo hướng chống người Palestine và ủng hộ người Israel - cho thấy vai trò trung gian và kiến tạo hòa bình của Washington trong cuộc xung đột Israel-Palestine đã biến mất.

Cuối tháng 8 vừa qua, Mỹ quyết định ngừng tài trợ cho Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA).

Vài ngày sau, Washington lại tuyên bố đóng cửa văn phòng của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ở Washington.

Theo một số chuyên gia, Washington chưa bao giờ là một nhà trung gian công bằng trong cuộc xung đột ở Trung Đông. Mỹ chỉ hành động theo hướng nghiêng về lợi ích của Israel.

Tiến trình hòa bình "hoang đường"

Cuộc xung đột Palestine-Israel nổ ra sau khi Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine, và dưới sự hậu thuẫn của phương Tây, Israel thành lập nhà nước năm 1948.

Cuộc xung đột này kéo dài từ đó đến nay, qua hàng thập kỷ. Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đã bị "đóng băng" kể từ năm 2014 do chính sách mở rộng các khu định cư của Israel.

Chính sách này bị cộng đồng quốc tế và nhiều quốc gia trong khu vực phản đối kịch liệt.

Mohamed Gomaa, nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Al-Ahram, nói: "Ngay từ đầu, đây không phải là một tiến trình hòa bình. Đây chỉ là chiến dịch gây sức ép của Mỹ... theo hướng có lợi cho Israel. Hiện giờ, không có tiến trình hòa bình thực sự cho cuộc xung đột này, cũng không ai hy vọng sẽ có các cuộc đàm phán trong tương lai gần để đề cập đến vai trò của Mỹ. Mỹ đang nhìn cuộc xung đột này qua lăng kính của Israel." 

[Mỹ đang tiếp cận một chiều trong vấn đề Trung Đông?]

Cuộc xung đột vẫn chưa được giải quyết

Đầu năm 2017, chỉ 1 tháng sau khi bước chân vào Nhà Trắng, trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: "Tôi đang cân nhắc giải pháp hai nhà nước và một nhà nước, và tôi muốn tìm kiếm giải pháp mà cả hai bên đều chấp thuận."

Thế nhưng, ngay từ những ngày đầu lên nắm quyền, ông Trump đã nói thẳng rằng chính quyền của ông sẽ không gây áp lực buộc Israel phải lựa chọn giải pháp 2 nhà nước - giải pháp mà người Palestine mong muốn - và có vẻ như chính quyền Trump muốn hướng cuộc xung đột theo một hướng khác có lợi cho Israel hơn.

Hassan Nafaa, Giáo sư khoa học chính trị của trường Đại học Cairo, nói: "Washington hoàn toàn thiên vị Israel và đang nỗ lực sử dụng dùng ảnh hưởng cũng như sức mạnh của mình để đưa cuộc xung đột này theo hướng có lợi cho Israel."

Ông cũng nhấn mạnh rằng không đề xuất nào mà Mỹ và Israel đưa ra có thể được người Palestine chấp thuận.

Trong những tháng qua, Tổng thống Trump đã đưa ra các quyết định chóng vánh liên quan đến cuộc khủng hoảng Israel-Palestine, sử dụng cái cớ là cuộc chiến chống khủng bố quy mô quốc tế hiện nay và sự bất đồng của thế giới Arab để đưa ra một giải pháp theo nhãn quan của Washington.

Giáo sư Nafaa nói: "Trong khu vực tồn tại các hoạt động khủng bố thật, nhưng Mỹ thực sự không quan tâm đến việc chống khủng bố ở khu vực này mà chỉ muốn lợi dụng nó để phục vụ cho các dự án và lợi ích của Washington tại đây."

Các nước Arab có quan điểm khác nhau về các ưu tiên hàng đầu, các mối đe dọa và bản đồ liên minh trong khu vực. Điều này càng tạo ra một môi trường thuận lợi cho nhãn quan của Washington về Trung Đông.

Giáo sư Nafaa tin rằng chính sự mất đoàn kết và chia rẽ của thế giới Arab, cùng với đó là những cuộc xung đột khác nhau tại một số quốc gia Arab, là một trong những điểm yếu lớn nhất của khu vực, mở đường cho việc Mỹ đưa ra các quyết định ủng hộ Israel./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục