Mỹ không bổ sung danh sách miễn trừng phạt khi nhập khẩu dầu của Iran

Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5/2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran với mục tiêu chặn hoàn toàn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia này.
Cơ sở lọc dầu South Pars ở thành phố cảng Assaluyeh, miền nam Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cơ sở lọc dầu South Pars ở thành phố cảng Assaluyeh, miền nam Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Iran Brian Hook ngày 3/4 tuyên bố Washington không có kế hoạch bổ sung thêm bất cứ quốc gia nào vào danh sách miễn trừng phạt khi nhập khẩu dầu từ Iran.

Phát biểu với báo giới, đặc phái viên Hook nêu rõ 3 trong 8 nền kinh tế được miễn trừng phạt vào tháng 11/2018 đã giảm mức nhập khẩu dầu của Iran xuống bằng 0.

Tám nền kinh tế này bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp, Italy, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông Hook, tổng số nền kinh tế từng nhập khẩu dầu của Iran và đã chấm dứt hoạt động này hiện đã tăng lên 23.

Đặc phái viên Hook nêu rõ hiện điều kiện thị trường đang ngày càng thuận lợi để thúc đẩy việc giảm nhập khẩu dầu của Iran xuống bằng 0, do giá dầu đã giảm đi sau khi các lệnh trừng phạt được ban bố. Vì vậy, Mỹ sẽ không áp dụng ngoại lệ với bất kỳ quốc gia nào nữa. Ông cũng từ chối tiết lộ việc Mỹ có gia hạn miễn trừng phạt hay không.

[Mỹ bắt đầu dỡ bỏ biện pháp nới lỏng trừng phạt nhằm vào Iran]

Trước đó, việc miễn trừng phạt trong 6 tháng đã giúp 8 nền kinh tế trên tiếp tục mua dầu từ Iran. Dự kiến lệnh này sẽ hết hiệu lực vào ngày 3/5 tới.

Một phái đoàn của Chính phủ Hàn Quốc đã tới Washington vào tuần trước để thảo luận về việc gia hạn miễn trừng phạt.

Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5/2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran với mục tiêu chặn hoàn toàn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia này.

Theo thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức), Tehran cam kết hạn chế chương trình hạt nhân, đổi lại các quốc gia phương Tây gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, Mỹ cho rằng thỏa thuận trên chưa bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo và sự can dự của Iran vào tình hình khu vực.

Cùng ngày, Anh, Pháp và Đức yêu cầu được tiếp cận báo cáo đầy đủ của Liên hợp quốc về hoạt động tên lửa của Iran, cho rằng Tehran thử nghiệm công nghệ tên lửa, và những hoạt động gần đây của Iran không phù hợp với nghị quyết của Liên hợp quốc.

Nội dung trên được tiết lộ trong bức thư được gửi tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, trong đó ba nước coi việc Iran phóng tên lửa đẩy và cho ra mắt hai tên lửa đạn đạo hồi tháng 2, là có xu hướng gia tăng các hoạt động không phù hợp với nghị quyết của Liên hợp quốc.

Nghi quyết 2231 được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phê chuẩn sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran được thông qua vào năm 2015, yêu cầu Iran sẽ không tiến hành bất cứ hoạt động gì liên quan đến tên lửa đạn đạo có khả năng mang các loại vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, Tehran khẳng định chương trình tên lửa chỉ mang tính chất phòng vệ và không có ý định phát triển khả năng hạt nhân.

Theo nội dung bức thư, ba nước đã đề nghị Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres báo cáo đầy đủ và kỹ càng hoạt động tên lửa đạn đạo của Iran trong kỳ báo cáo tới vào tháng Sáu.

Bức thư của ba nước, đồng thời là các bên tham gia ký thỏa thuận hạt nhân Iran, được đưa ra gần một tháng sau khi Mỹ cũng có yêu cầu tương tự tới Hội đồng Bảo an, cho rằng đã tới lúc phải áp lại các lệnh trừng phạt nặng hơn đối với Tehran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục