Mỹ khẳng định quan hệ liên minh phòng thủ với Hàn Quốc

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby tuyên bố việc hủy bỏ các hướng dẫn tên lửa Hàn-Mỹ sẽ không dẫn tới bất kỳ thay đổi nào trong mối quan hệ đồng minh giữa hai nước.
Ông John Kirby phát biểu trong cuộc họp báo tại Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Yonhap, ngày 1/6, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby tuyên bố cam kết của Mỹ đối với hệ thống phòng thủ của Hàn Quốc sẽ không bị ảnh hưởng sau quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 21/5 đồng ý chấm dứt hướng dẫn phát triển tên lửa đạn đạo song phương, vốn lâu nay hạn chế việc phát triển tên lửa của Hàn Quốc.

Phát biểu với báo giới tại Washington, ông Kirby cho biết việc hủy bỏ các hướng dẫn tên lửa Hàn-Mỹ sẽ không dẫn tới bất kỳ thay đổi nào trong mối quan hệ đồng minh giữa hai nước.

Quan chức Lầu Năm Góc này nhấn mạnh: "Không có gì làm thay đổi liên minh Mỹ-Hàn Quốc cũng như những cam kết của chúng tôi với liên minh, vốn được xem là một liên minh phòng thủ."

[Tổng thống Hàn Quốc ra lệnh triển khai kết quả cuộc gặp với Mỹ]

Ông Kirby  bày tỏ không có bất kỳ thay đổi nào đối với thế trận phòng thủ của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên liên quan đến việc dỡ bỏ các hướng dẫn tên lửa.

Năm 1979, để có được công nghệ tên lửa của Mỹ, Hàn Quốc đã ký với Mỹ văn bản mang tên "Hướng dẫn tên lửa Hàn-Mỹ" và quyết định nhập khẩu công nghệ tên lửa dưới sự kiểm soát của Mỹ. Văn bản hướng dẫn này đã trải qua 4 lần sửa đổi, theo đó nới lỏng một số hạn chế liên quan đến tên lửa Hàn Quốc.

Trước đó, từ ngày 19-23/5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tới thăm Mỹ và hội đàm với Tổng thống Joe Biden.

Ngoài một số vấn đề song phương, hai bên đã đạt được thỏa thuận chấm dứt "Hướng dẫn tên lửa Hàn-Mỹ."

Việc chấm dứt hướng dẫn này có nghĩa là Mỹn dỡ bỏ hạn chế về tầm bắn tối đa và trọng lượng đầu đạn, đồng nghĩa với việc Hàn Quốc đã đạt được chủ quyền về tên lửa sau 42 năm.

Tổng thống Moon Jae-in coi đây là một biện pháp "mang tính biểu tượng và thực chất" thể hiện sự vững mạnh của mối quan hệ đồng minh giữa hai nước, cùng với thỏa thuận về chia sẻ chi phí để duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục