Mỹ khẳng định không mong muốn một cuộc chiến tranh thương mại

Bộ trưởng Tài chính Mỹ khẳng định Mỹ không mong muốn cuộc chiến thương mại tuy nhiên cũng sẽ không ngại tham gia vào cuộc chiến này nếu điều này bảo vệ các lợi ích quốc gia.
Mỹ khẳng định không mong muốn một cuộc chiến tranh thương mại ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. (Nguồn: Reuters)

Mỹ không mong muốn gây ra một cuộc chiến thương mại tuy nhiên cũng sẽ không ngại tham gia vào cuộc chiến này nếu điều này bảo vệ các lợi ích quốc gia.

Đây là tuyên bố ngày 20/3 của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sau khi tham dự Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thủ đô Buenos Aires (Argentina).

Phát biểu tại Buenos Aires, Bộ trưởng Mnuchin nêu rõ chiến tranh thương mại "không phải là mục đích" của Mỹ, nhưng Washington sẵn sàng hành động để bảo vệ lợi ích quốc gia và đảm bảo thương mại tự do và công bằng, ngay cả khi điều này đồng nghĩa với việc tham gia vào một cuộc đối đầu thương mại.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 ra tuyên bố chung, trong đó cảnh báo "căng thẳng leo thang về kinh tế và địa chính trị toàn cầu" nhưng không trực tiếp chỉ trích Mỹ.

Tuyên bố đưa ra chỉ 3 ngày trước khi quyết định áp thuế nhập khẩu cao đối với các mặt hàng thép và nhôm gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức có hiệu lực.

['Sẽ không có kẻ thắng người thua nếu xảy ra chiến tranh thương mại']

Tại hội nghị, đại diện nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) đã đề nghị Mỹ không áp thuế này với các đối tác châu Âu, lập luận rằng vấn đề nằm ở tình trạng sản xuất quá mức của Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng Mnuchin, phái đoàn Mỹ đã có các cuộc trao đổi hiệu quả với các đối tác trong G20 về vấn đề thuế quan và thương mại.

Phần lớn các nước bày tỏ mong muốn Trung Quốc mở rộng thị trường hơn nữa để sản phẩm của các nước khác có thể tham gia vào thị trường Trung Quốc "một cách tương xứng" với sự hiện diện của sản phẩm Bắc Kinh tại thị trường họ, qua đó đảm bảo quan hệ thương mại cân bằng.

Các bộ trưởng tài chính cũng nhất trí hoãn việc tìm giải pháp cho vấn đề đánh thuế 4 tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ là Amazon, Apple, Facebook và Google, cam kết hợp tác để tìm ra ra một giải pháp được đồng thuận vào năm 2020.

Trước đó, Bộ trưởng Mnuchin đã cảnh báo Mỹ "phản đối mạnh mẽ" việc áp đặt các mức thuế mới lên các tập đoàn công nghệ lớn của nước này, động thái mà EU nhiều lần cảnh báo sẽ thực hiện.

Ủy viên Tài chính và kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Pierre Moscovici cho biết hành động của EU là "phản ứng trước tình hình hiện tại chứ không nhằm chống Mỹ."

Quan chức này cho hay EU cũng không mong muốn xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại và luôn ưu tiên giải pháp đối thoại song cũng sẽ sẵn sàng đáp trả các hành động gây tổn hại cho thương mại của khối này.

Đây là hội nghị đầu tiên của G20 kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế nhập khẩu cao đối với các mặt hàng thép và nhôm, kéo theo phản ứng dữ dội của nhiều nước trên thế giới.

Hội nghị quy tụ 22 bộ trưởng tài chính, 17 thống đốc ngân hàng trung ương và 10 chủ tịch các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục