Mỹ khẳng định châu Á-Thái Bình Dương là trọng tâm chiến lược dài hạn

Điểm nổi bật của chuyến công du là cuộc họp của nhóm không chính thức gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ nhằm thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao liên quan đến Triều Tiên và các đảo tại Thái Bình Dương.
Mỹ khẳng định châu Á-Thái Bình Dương là trọng tâm chiến lược dài hạn ảnh 1Ngoại trưởng Antony Blinken. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết chuyến công du tới Thái Bình Dương trong tuần này nhằm tái khẳng định với thế giới rằng trọng tâm chiến lược dài hạn của Washington vẫn là khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bất chấp cuộc khủng hoảng leo thang với Nga về Ukraine.

Vào ngày 7/2, Ngoại trưởng Blinken khởi hành tới Australia, Fiji và Hawaii để họp với các đồng minh quan trọng.

Điểm nổi bật trong tuần sẽ là cuộc họp của nhóm không chính thức gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ được gọi là Bộ Tứ (Quad), nhằm thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao liên quan đến Triều Tiên và các đảo tại Thái Bình Dương.

Chuyến đi của ông Blinken diễn ra vài ngày sau khi Trung Quốc và Nga tuyên bố quan hệ đối tác chiến lược "không có giới hạn" khi khai mạc Thế vận hội mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh.

Ông Daniel Kritenbrink, nhà ngoại giao hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ về khu vực Đông Á, đã chỉ trích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp báo trước chuyến đi của ông Blinken, nói rằng cuộc gặp của ông Tập Cận Bình với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 4/2 lẽ ra nên là cơ hội để khuyến khích giảm leo thang căng thẳng về vấn đề Ukraine.

[Australia thông báo về hội nghị Ngoại trưởng Nhóm "Bộ tứ"]

Ông Charles Edel, một chuyên gia về châu Á và Australia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), lưu ý rằng ông Blinken tới Australia bất chấp mối quan hệ đối đầu giữa Ukraine với người Nga và ngoại giao căng thẳng giữa các quốc gia thành viên NATO.

Ông Edel nói: "Chuyến đi của ông ấy nhấn mạnh tầm quan trọng và thách thức - đối với Washington để duy trì sự tập trung vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương."

Trong cuộc họp Quad dự kiến diễn ra tại Melbourne, 4 quốc gia dự kiến sẽ thảo luận về cách thúc đẩy các mục tiêu của họ bao gồm chính sách khí hậu và cung cấp vaccine COVID-19 cho Đông Nam Á trước hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào tháng 5 tại Nhật Bản mà Tổng thống Joe Biden sẽ tham dự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục