Mỹ khai thác sự khác biệt Nga-Trung trong vấn đề hạt nhân

Chính sách ngoại giao lão luyện của Mỹ có thể khai thác sự khác biệt Nga-Trung bằng cách kêu gọi các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Mỹ khai thác sự khác biệt Nga-Trung trong vấn đề hạt nhân ảnh 1(Nguồn: sputniknews.com)

Trang mạng eurasiareview.co, thật ngạc nhiên khi Nga và Trung Quốc có những phản ứng khác nhau về chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Sau khi duy trì di sản các phương tiện vận chuyển vũ khí hạt nhân có từ thời chiến tranh lạnh, trong vài thập kỷ qua, Mỹ đã bắt đầu tính đến việc phát triển thế hệ tiếp theo của các tàu ngầm hạt nhân chiến lược, máy bay ném bom cũng như các loại tên lửa đạn đạo và hành trình.

Tháng 2/2018, Mỹ đã công bố Đánh giá Vị thế Hạt nhân (NPR), trong đó thông báo phát triển các lựa chọn “triển khai hạt nhân hạn chế mới” của Mỹ cũng như việc tái đầu tư vào sản xuất vũ khí hạt nhân và cơ cấu hỗ trợ chỉ huy-kiểm soát chiến lược.

Các nhà lãnh đạo Moskva đã phản ứng trước sự hồi sinh sức mạnh hạt nhân của Mỹ bằng cách tăng cường năng lực chiến lược cũng như gây sức ép đối với cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân mới giữa Nga và Mỹ, vốn được mở rộng bao gồm các quốc gia khác, để duy trì sự bình đẳng và ngăn chặn sự bất ổn quốc tế.

Trong khi Moskva tìm cách gây choáng váng cho Washington khi đưa ra những nhượng bộ kiểm soát vũ khí, Bắc Kinh dường như không bận tâm đến những chính sách và tuyên bố về hạt nhân của Tổng thống Mỹ Donald Trump, thay vào đó tập trung xây dựng các lực lượng chính quy và tiến hành chiến dịch gây ảnh hưởng toàn cầu.

Trung Quốc có lực lượng vũ khí hạt nhân yếu hơn so với Mỹ và Nga. Nhìn chung, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã giảm bớt tầm quan trọng vũ khí hạt nhân của mình và lâu nay nhiều lần kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân đa phương nhưng không hiệu quả.

Mỹ có thể khai thác sự khác biệt Nga-Trung bằng cách kêu gọi các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn hơn Trung Quốc, tuy nhiên khả năng sử dụng lại thấp hơn. Hầu hết các lực lượng hạt nhân của Nga đang được nâng cấp.

Đầu năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tự mình giới thiệu những hệ thống vận chuyển vũ khí hạt nhân chiến lược mang tính đột phá bao gồm hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đa nhiệm, ngư lôi hạt nhân Poseidon, siêu tên lửa hành trình sử dụng động cơ hạt nhân tầm bắn không giới hạn và một số hệ thống vận chuyển siêu thanh mà đường bay phi đạn đạo của chúng sẽ dễ dàng chọc thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện hành.

Mặc dù, một số loại vũ khí Nga thông báo mới đây sẽ phải mất nhiều năm để phát triển, nhưng trong nhiều năm qua, Bộ Quốc phòng Mỹ có thể đã biết về những loại vũ khí khác nữa của Nga – điều không bất ngờ vì Putin đã công khai những chương trình vũ khí bí mật này. Bên cạnh phát triển các năng lực hạt nhân mới, chính phủ Nga lại ưu thích sử dụng các loại vũ khí hạt nhân hiện hành...

Các chuyên gia dự đoán rằng chương trình hiện đại hóa hạt nhân của Mỹ sẽ khiến Bắc Kinh phải “suy nghĩ lại về kho vũ khí hạt nhân tương đối nhỏ bé của mình cũng như học thuyết sử dụng hạt nhân cho mục đích phòng thủ”, bao gồm cả việc thực hiện chính sách mơ hồ “quyết không sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên,” tăng cường số lượng và chủng loại hệ thống vận chuyển hạt nhân chiến lược và trở nên quyết đoán hơn trong các chính sách quân sự của mình.

Theo kịch bản này, Trung Quốc sẽ đi theo con đường của Nga thoát khỏi sự ràng buộc hạt nhân. Để tránh xảy ra điều này, những nước ủng hộ cơ chế kiểm soát hạt nhân đã thúc giục Mỹ theo đuổi các cuộc đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân song phương và đa phương với Bắc Kinh cũng như sự kiềm chế đơn phương của Mỹ.

Tuy nhiên, những dự báo đáng ngại này đã không xảy ra. Trong cuộc họp báo ngày 28/8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tái khẳng định rằng “Trung Quốc duy trì cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên và về bản chất theo đuổi một chiến lược phòng vệ và luôn giữ sức mạnh hạt nhân của mình ở mức độ thấp nhất để duy trì an ninh quốc gia.”

[Mỹ muốn duy trì mối quan hệ "quan trọng" với Trung Quốc]

Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất đánh giá sức mạnh quân sự Trung Quốc được đưa ra hồi tháng 8, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định rằng hiện đại hóa hạt nhân vẫn còn hạn chế bởi Trung Quốc đang “ưu tiên duy trì một lực lượng hạt nhân có khả năng ngăn chặn một cuộc tấn công phủ đầu và có đủ khả năng đáp trả gây thiệt hại cho kẻ thù.”

Cuối cùng, báo cáo kết luận, Trung Quốc đã và đang xây dựng các tuyến đường hầm nằm sâu dưới lòng đất, nâng cao cảnh báo sớm bao gồm radar được đặt trên không gian và mặt đất, lắp đặt nhiều hơn một đầu đạn hạt nhân vào mỗi quả tên lửa, triển khai các thiết bị xâm nhập hệ thống phòng thủ tên lửa, nâng cao kiểm soát vũ khí hạt nhân và hỗ trợ các khả năng thông qua Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược mới và phát triển các phương tiện phóng siêu thanh cũng như tàu ngầm, máy bay ném bom chiến lược hiện đại hơn để có thể chiếm lĩnh trên cả ba trận địa: trên bộ, trên biển và trên không.

Một số lý do có thể giải thích cho những phản ứng trái ngược này. Thứ nhất, các nhà lãnh đạo Nga luôn quan tâm đến năng lực hạt nhân bởi vì Moskva dự vào đó để duy trì vị thế cường quốc của mình. Không có vũ khí hạt nhân, người Nga có lý do để lo sợ đất nước của họ sẽ trở thành một cường quốc khu vực với ảnh hưởng quốc tế bị hạn chế - sự lo sợ thực sự của các nhà chiến lược Nga.

Ngược lại, các quan chức Trung Quốc không thừa nhận tham vọng trở thành siêu cường và phủ nhận rằng đất nước của họ là (hay muốn trở thành) đối thủ hàng đầu của Mỹ. Bắc Kinh sẽ tận dụng đánh kể sức mạnh gia tăng của mình cả về quân sự và kinh tế để duy trì quyền lực cứng cũng như quyền lực mềm.

Bắc Kinh không chỉ có nhiều công cụ ảnh hưởng hơn so với Moskva, mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc còn triển khai chúng thông thạo hơn. Ví dụ, Bắc Kinh đã chứng minh thành công đáng kể trong việc mở rộng ảnh hưởng khu vực khi giành phần thắng hoặc trả tiền cho nhiều nước, bao gồm cả Nga, để không cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Một nhân tố khác có thể cản trở sức mạnh hạt nhân của Bắc Kinh là việc các nhà lãnh đạo nước này lo lắng các đối tác Nga sẽ phổ biến hơn nữa vũ khí hạt nhân ra ngoài phạm vi của họ.

Các nhà lãnh đạo Nga đương nhiên lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, song họ không dám công khai thừa nhận về điều này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Vladivostok để tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 4 (11-12/9) theo lời mời của Tổng thống Putin, để tạo ra những xung lực mới trong quan hệ song phương.

Bên cạnh những đối thủ tiềm tàng khác của Bắc Kinh, cán cân quân sự giữa Nga và Trung Quốc đang thay đổi theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.

Để xác định kích cỡ kho vũ khí hạt nhân của mình, các nhà hoạch định chính sách Nga sẽ sử dụng một nguyên tắc “đo lường sức mạnh” mở rộng - có nghĩa các lực lượng hạt nhân của Nga sẽ phải bằng tất cả các quốc gia hạt nhân khác cộng lại. Các nhà lãnh đạo Nga không công khai rằng sự tính toán này bao gồm cả Trung Quốc.

Chính sách ngoại giao lão luyện của Mỹ có thể khai thác những khác biệt này. Lợi ích của Moskva trong việc duy trì sự bình đẳng hạt nhân với Washington đã khiến nước này trở nên sốt sắng hơn Trung Quốc trong việc tham gia các đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược với Mỹ. Lập trường này dựa trên lịch sử hàng thập kỷ đàm phán mà luôn trên cơ sở song phương.

Tuy nhiên, Moskva khẳng định rằng các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược trong tương lai bên cạnh Nga và Mỹ nên bao gồm cả các nước khác nữa, chẳng hạn như Trung Quốc.

Bắc Kinh đã phớt lờ yêu cầu của Moskva cũng như những lời kêu gọi khác về kiềm chế hạt nhân có sự ràng buộc pháp lý, nhấn mạnh rằng Nga và Mỹ sẽ giải trừ quân bị trước tiên.

Trong thời gian tới, chính quyền Trump nên kêu gọi Bắc Kinh tham gia các vòng đàm phán kiểm soát hạt nhân để thấy rõ những sự khác biệt giữa Trung Quốc và Nga.

Cho dù có chấp nhận quan điểm của Nga về việc Trung Quốc nên tham gia các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân trong tương lai sẽ làm giảm triển vọng của hiệp định ngắn hạn về cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược, có lẽ cuộc chiến thương mại sẽ là đáng giá nếu nó dẫn tới việc Nga gây sức ép lớn hơn đối với Trung Quốc không mở rộng năng lực vũ khí hạt nhân tấn công và những bất đồng khác trong quan hệ Nga-Trung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục