Trước tình trạng buôn bán ma túy và động vật hoang dã xuyên quốc gia đang ngày càng khó kiểm soát, đe dọa đến an ninh khu vực và thế giới, Chính phủ Mỹ đã hối thúc các quốc gia Tây Phi tăng cường hợp tác đối phó với vấn nạn này.
Phát biểu với báo giới ngày 5/8 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi lần thứ nhất tại Washington, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề thực thi pháp luật và chống ma túy quốc tế - ông William Brownfield - nhấn mạnh cuộc chiến chống ma túy và buôn bán động vật hoang dã đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Mỹ trong bối cảnh các tổ chức tội phạm buôn bán, vận chuyển ngà voi hoặc sừng tê giác từ châu Phi thường kiêm vận chuyển ma túy, vũ khí và buôn người.
Ông Brownfield nêu rõ Washington đã đẩy mạnh các biện pháp đối phó với vấn nạn này, trong đó có việc treo thưởng lên tới 5 triệu USD cho những người cung cấp thông tin hữu ích, giúp bắt giữ các đối tượng đầu sỏ, triệt phá các mạng lưới buôn bán động vật hoang dã.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng Mỹ cũng đang tăng cường năng lực của các nước Tây Phi trong cuộc chiến chống nạn rửa tiền và tội phạm tài chính.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Brownfield cũng cho biết vấn đề mở rộng hợp tác trong cuộc chiến chống ma túy và buôn bán trái phép động vật hoang dã sẽ là một trong những nội dung thảo luận chính trong cuộc họp với giới chức Tây Phi sẽ diễn ra vào ngày 8/8 tới.
Từ năm 2011, Mỹ và 15 quốc gia thành viên thuộc Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) cùng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Bồ Đào Nha, Colombia và Brazil đã đẩy mạnh hợp tác trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy.
Chương trình hợp tác này phác thảo các điều luật và quy định cũng như chia sẻ thông tin tình báo về tài chính... nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển ma túy từ Nam Mỹ qua Tây Phi để tuồn vào Tây Âu.
Mỹ đã cung cấp 100 triệu USD cho các chương trình hỗ trợ đào tạo các quan chức thực thi pháp luật, thành lập các đơn vị chống ma túy và thực hiện các chiến dịch an ninh đa phương tại khu vực Tây Phi.
Theo báo cáo của Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES), riêng trong năm ngoái đã có hơn 20.000 con voi châu Phi bị săn bắn trộm và khoảng 1.000 con tê giác bị giết hại, khiến số lượng những loài động vật này sụt giảm nghiêm trọng./.