Mỹ kêu gọi phe phái ở Iraq đối thoại giải quyết khủng hoảng chính trị

Tổng thống Mỹ ngày 31/8 đã điện đàm với Thủ tướng Iraq, đồng thời kêu gọi các phe phái ở nước này ủng hộ đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị bùng phát thành bạo lực kéo dài.
Mỹ kêu gọi phe phái ở Iraq đối thoại giải quyết khủng hoảng chính trị ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 31/8 đã điện đàm với Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhemi, đồng thời kêu gọi các phe phái ở nước này ủng hộ đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị bùng phát thành bạo lực kéo dài nhiều tháng qua ở quốc gia Trung Đông này.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn tuyên bố của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden và Thủ tướng Kadhemi hoan nghênh kết quả an ninh trên đường phố được khôi phục và kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo Iraq tham gia tiến trình đối thoại dân tộc để định ra lộ trình chung phù hợp với Hiến pháp và luật pháp của Iraq nhằm đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng.

Tổng thống Biden ca ngợi “khả năng lãnh đạo cá nhân” của Thủ tướng Kadhemi và những nỗ lực của ông trong quá trình giảm leo thang căng thẳng tại khu vực thông qua đối thoại và ngoại giao. Ông chủ Nhà Trắng cũng lên tiếng ủng hộ “một Iraq độc lập và có chủ quyền.”

Trước đó, Iraq đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm trên toàn quốc được áp đặt trong 2 ngày 29-30/8 sau khi những người ủng hộ Giáo sỹ Hồi giáo dòng Shiite Moqtada al-Sadr xông vào một tòa nhà chính phủ ở Vùng Xanh tại trung tâm thủ đô Baghdad và đụng độ với lực lượng an ninh khiến 30 người thiệt mạng và ít nhất 570 người bị thương.

[Tổng thống Iraq Barham Salih đề cập khả năng bầu cử sớm]

Hồi giữa tháng 8, Thủ tướng Kadhemi đã kêu gọi tiến hành một cuộc đối thoại dân tộc với sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị, song Giáo sỹ al-Sadr không đồng ý góp mặt.

Căng thẳng leo thang hôm 29/8 sau khi ông al-Sadr tuyên bố sẽ từ bỏ chính trường. Tổng thống Iraq Barham Saleh ngày 30/8 đã bày tỏ ủng hộ phương án tổ chức bầu cử sớm nhằm giải quyết bất đồng chính trị ở nước này.

Iraq đã và đang chìm trong khủng hoảng chính trị và kinh tế-xã hội sau cuộc bầu cử hồi tháng 10/2021, trong đó, đảng của Giáo sĩ al-Sadr giành được nhiều ghế nhất, với 73/329 ghế tại Quốc hội nước này.

Căng thẳng tiếp diễn giữa các chính đảng Shiite trong thời gian qua khiến Iraq không thể thành lập được chính phủ mới. Toàn bộ các nghị sỹ thuộc đảng của ông al-Sadr đã rút khỏi Quốc hội Iraq./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục