Ngày 21/4, Mỹ đã cảnh báo Palestine không nên giải thể Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA) vì cho rằng bước đi này sẽ mang lại "hậu quả rất nghiêm trọng" cho quan hệ song phương.
Lời cảnh báo được đưa ra sau khi giới chức Palestine đề cập đến khả năng giải thể PNA nhằm bày tỏ sự phản đối trước tình trạng đổ vỡ của vòng đàm phán hòa bình với Israel, vốn bắt đầu từ tháng Bảy năm ngoái và dự kiến kết thúc vào ngày 29/4.
Trả lời báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết Mỹ cùng cộng đồng quốc tế đã tốn hàng triệu USD để xây dựng các thể chế Palestine trong khuôn khổ PNA trong những năm qua.
Bà Psaki coi động thái của Palestine là "cực đoan" và không mang lại lợi ích cho nhân dân Palestine, đồng thời kêu gọi các bên cố gắng tìm ra "một cơ sở để kéo dài cuộc đàm phán."
PNA được thành lập vào năm 1994, theo thỏa thuận hòa bình Oslo 1993 giữa Israel với Tổ chức Giải phóng Palestine. PNA khi đó ra đời với tính chất là một thực thể chuyển tiếp tạm thời cho đến tháng 5/1999, thời điểm các bên dự kiến kết thúc các cuộc đàm phán về quy chế cuối cùng cho Palestine.
Tuy nhiên, cho đến nay hai bên đã không đạt được bất cứ thỏa thuận nào và điều đó có nghĩa là PNA vẫn tiếp tục hoạt động với chức năng nhà nước suốt trong khoảng thời gian đó.
Việc giải thể PNA sẽ biến lãnh thổ Palestine thành một nhà nước bị chiếm đóng, bước đi làm tăng sức ép về pháp lý và của quốc tế đối với Israel vì chính quyền Tel Aviv phải lấp đầy khoảng trống quyền lực này.
Hiện tại, Nhà nước Do Thái vẫn duy trì quyền kiểm soát toàn diện đối với vùng Bờ Tây và Đông Jerusalem, trong khi phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza từ năm 2007./.