Ngày 9/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi các quốc gia thành viên Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hành động khẩn cấp nhằm hướng đến một nền kinh tế toàn cầu không carbon cũng như ứng phó biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại một diễn đàn được tổ chức tại Venice (Italy), Bộ trưởng Yellen cho biết các quốc gia G20 tạo ra 80% tổng lượng phát thải carbon trên toàn cầu, do đó trách nhiệm của G20 là phải hành động ngay lập tức.
Bà Yellen đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác quốc tế để tránh xảy ra bất đồng giữa các quốc gia đang nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
[G20 ưu tiên vấn đề phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững]
Cũng tại diễn đàn này, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đề xuất thiết lập một mức giá sàn carbon trên toàn cầu. Ông cho rằng một mức giá sàn carbon chung có thể là một "khởi đầu tốt đẹp," mở dường cho tất cả quốc gia thành viên G20 đưa ra cam kết thống nhất về một mức giá carbon.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã kêu gọi các nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới thông qua giá sàn carbon chung, coi biện pháp này mang lại một "triển vọng thực tế" nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Trong báo cáo, IMF nêu rõ việc áp chung một mức giá sàn cho carbon đang được coi là một công cụ chính sách quan trọng nhất nhằm đạt được mục tiêu cắt giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính để có thể kiềm chế nhiệt độ của Trái Đất tăng 2 độ C đến năm 2050.
Tuy nhiên, hiện 80% số khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn chưa được định giá và giá carbon toàn cầu trung bình chỉ ở mức 3 USD/tấn, thấp hơn mức cần thiết để khuyến khích việc sử dụng năng lượng hiệu quả và đổi mới hướng tới các công nghệ xanh.
Diễn đàn trên được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 tại Venice. Đây là hội nghị thứ ba trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Italy và là hội nghị trực tiếp đầu tiên kể từ tháng 2/2020.
Tại hội nghị này, các nước thành viên G20 tiếp tục thảo luận các vấn đề liên quan đến kinh tế quốc tế và y tế toàn cầu cũng như những nỗ lực hướng tới sự phục hồi kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng bền vững hơn.
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 cũng đề cập đến mối liên hệ giữa cuộc cách mạng kỹ thuật số và năng suất, việc hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, các vấn đề thuế quốc tế, các vấn đề của khu vực tài chính và việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi xanh.
Tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 tại Venice lần này có hơn 60 phái đoàn.
Bên lề hội nghị này, còn có các hội nghị thường niên của Diễn đàn Toàn cầu về năng suất, Hội nghị Cấp cao G20 về thuế và Hội nghị Quốc tế Venice về khí hậu, diễn ra trong các ngày 8-11/7./.