Mỹ kêu gọi Armenia-Azerbaijan đối thoại để giải quyết xung đột

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Azerbaijan, Thủ tướng Armenia và bày tỏ quan điểm ủng hộ tiến trình hòa đàm giữa Yerevan và Baku.
Ngôi nhà bị phá hủy trong cuộc đụng độ giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan, tại Sotk, Armenia, ngày 14/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/7, Mỹ kêu gọi Armenia và Azerbaijan tiếp tục đối thoại để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài liên quan khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh, đồng thời hối thúc mở cửa trở lại tuyến đường duy nhất nối Armenia với vùng lãnh thổ này.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Anthony Blinken đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, một ngày sau khi Baku đóng cửa hành lang Lachin.

[Triển vọng ký kết hiệp ước hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan]

Trong cuộc điện đàm, ông Blinken “nhấn mạnh sự cần thiết phải để các phương tiện thương mại, nhân đạo và tư nhân di chuyển tự do qua hành lang Lachin.”

Ngoại trưởng Mỹ cũng đã trao đổi với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và bày tỏ quan điểm ủng hộ tiến trình hòa đàm giữa Yerevan và Baku, cũng như sự cần thiết phải tiến hành đối thoại trực tiếp giữa hai bên.

Trước đó, ngày 11/7, Azerbaijan đã tạm đóng tuyến đường duy nhất nối khu vực Nagorny-Karabakh và Armenia.

Trong thông báo, Cơ quan Biên giới quốc gia Azerbaijan cho biết "việc đi lại qua trạm kiểm soát Lachin của biên giới quốc gia tạm thời bị đình chỉ" trong khi chờ kết quả điều tra liên quan tới hoạt động của chi nhánh Tổ chức Chữ thập Đỏ tại Armenia qua tuyến đường này.

Kể từ tháng 12/2022, Armenia đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhân đạo tại khu vực Nagorny-Karabakh do lương thực và thuốc men dần cạn kiệt sau các biện pháp hạn chế sử dụng tuyến đường Lachin.

Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào nước này.

Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hàng chục cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa tìm được biện pháp hòa giải phù hợp.

Dự kiến, trong tháng này sẽ diễn ra các cuộc đàm phán dưới sự trung gian của Liên minh châu Âu (EU)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục