Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 5/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Ai Cập và Qatar gây áp lực lên phong trào Hamas để lực lượng này chấp thuận lệnh ngừng bắn ở Gaza cũng như thỏa thuận trao trả con tin trước thềm diễn ra vòng đàm phán mới vào cuối tuần này tại Cairo.
Điều phối viên phụ trách truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia thuộc Nhà Trắng John Kirby cho biết ông Biden đã gửi thư tới người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani để trao đổi về tình hình đàm phán trao trả con tin và “kêu gọi họ đảm bảo các cam kết từ Hamas về việc nhất trí và tuân thủ thỏa thuận.”
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm 4/4, Tổng thống Biden đã yêu cầu nhà lãnh đạo này trao quyền cho các nhà đàm phán Israel ở Cairo để có thể đạt được thỏa thuận càng sớm càng tốt.
Một quan chức Mỹ tiết lộ Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương (CIA) Bill Burns sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự cuộc đàm phán ở Cairo.
Theo đề xuất gần đây nhất, Israel và Hamas sẽ nhất trí ngừng bắn trong 6 tuần để đổi lấy việc trả tự do cho các con tin ốm đau, người già và bị thương do Hamas bắt giữ, song tiến trình đạt được thỏa thuận đã bị đình trệ trong nhiều tuần.
Mỹ và các đồng minh coi lệnh ngừng bắn là cần thiết để cho phép đưa thêm nhiều viện trợ nhân đạo đến Gaza trong bối cảnh lo ngại xảy ra nạn đói đối với người Palestine tại dải đất ven Địa Trung Hải này.
Cùng ngày, hãng CNN dẫn một nguồn tin ngoại giao tiết lộ Hamas đã từ chối đề xuất mới nhất của Israel về thỏa thuận trả tự do cho các con tin đang bị giam giữ ở Dải Gaza.
Hamas đánh giá đề xuất của Israel không có gì mới và không bao gồm bất kỳ câu trả lời nào cho yêu cầu của phòng trào này.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, đầu tuần này, đề xuất của Israel đã được gửi tới Hamas, theo đó không chấp nhận 2 yêu cầu chính của Hamas gồm: cho phép người dân Gaza quay trở lại khu vực phía Bắc một cách không hạn chế; và rút quân đội Israel ra khỏi Gaza.
Trong khi đó, thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh hôm 3/4 tuyên bố phong trào này vẫn giữ nguyên các điều kiện đối với thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza, trong đó có yêu cầu Israel rút quân.
Trong diễn biến liên quan, phóng viên TTXVN tại Geneva đưa tin Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov - quan chức phụ trách chính sách đối với khu vực Trung Đông và châu Phi - đã gặp Đại sứ Thụy Sĩ tại Moskva Krystyna Marty Lang theo đề nghị của bà.
Trong cuộc trao đổi, hai bên đã thảo luận về tình hình ở khu vực đang xảy ra xung đột giữa Israel và Hamas, tập trung vào các nỗ lực quốc tế nhằm giảm leo thang khủng hoảng và tạo điều kiện để đổi mới tiến trình hòa bình ở Trung Đông.
Liên hợp quốc kêu gọi phản ứng toàn cầu khẩn cấp để giải quyết khủng hoảng Hà Nội
Ngày 5/4, Giám đốc Văn phòng Điều phối các hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc Ramesh Rajasingham đã đưa ra cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở Dải Gaza và kêu gọi phản ứng toàn cầu khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Rajasingham nhấn mạnh “6 tháng đau thương" khi nêu chi tiết về những hậu quả thảm khốc mà người dân Gaza phải hứng chịu kể từ khi cuộc xung đột Hamas-Israel nổ ra hồi đầu tháng 10/2023.
Quan chức Liên hợp quốc đánh giá với hơn 32.000 người thiệt mạng và 75.000 người bị thương, tình hình đã đến ngưỡng nguy kịch, trong đó phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ông Rajasingham cũng lưu ý “rõ ràng không có biện pháp bảo vệ đối với dân thường ở Gaza,” nêu bật sự cấp thiết phải có hành động can thiệp quốc tế để bảo vệ những người vô tội.
Quan chức của Liên hợp quốc cũng đề cập đến tác động nặng nề của cuộc xung đột, khi các hoạt động quân sự không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng trăm người mà còn cản trở nghiêm trọng các nỗ lực nhân đạo.
Rajasingham kêu gọi phải đảm bảo tất cả các tổ chức nhân đạo được tiếp cận an toàn, nhanh chóng và không bị cản trở để hỗ trợ người dân ở Gaza đang trong tình cảnh vô cùng khó khăn.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Israel đang triển khai thực hiện yêu cầu của ông về việc tạo điều kiện cho hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ vào Dải Gaza.
Tuyên bố của ông Biden được đưa ra sau khi Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước đó cùng ngày tuyên bố nước này sẽ cho phép tạm thời chuyển hàng viện trợ qua biên giới với phía Bắc Dải Gaza, đánh dấu lần đầu tiên Israel mở lại cửa khẩu Erez kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 10/2023.
Theo tuyên bố, Israel sẽ cho phép tạm thời chuyển hàng viện trợ nhân đạo qua cảng Ashdod và cửa khẩu Erez, cách Gaza khoảng 40 km về phía Bắc, để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Ngoài ra, chính quyền cũng sẽ cho phép tăng viện trợ của Jordan thông qua Kerem Shalom, một cửa khẩu biên giới ở miền Nam Israel.
Trước đó, trong cuộc điện đàm trong ngày giữa Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Biden, nhà lãnh đạo Mỹ đã cảnh báo chính sách của Washington trong vấn đề Gaza sẽ được xác định dựa trên những bước đi "cụ thể và có thể đo lường được" nhằm tránh gây tổn thất cho người dân, đảm bảo an toàn cho dân thường cũng như các nhân viên cứu trợ./.
Tin tặc đánh cắp dữ liệu của Bộ Tư pháp Israel nhằm phản phản đối xung đột Gaza
Một nhóm mang tên “Anonymous for Justice” (Nặc danh đòi công lý) đã thừa nhận tiến hành cuộc đột nhập mạng của Bộ Tư pháp Israel, đồng thời khẳng định đã đánh cắp được 300GB dữ liệu.