Cuộc điều tra kéo dài về vụ tấn công vào phái bộ ngoại giao Mỹ ở thành phố Benghazi của Libya đã được kết luận cuối ngày 18/12, chỉ trích những tổ chức an ninh của Bộ Ngoại giao nước này là “hết sức không đầy đủ.” Nhưng cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng cũng kết luận đã không có đủ thông tin tình báo “chi tiết, ngay lập tức” về các mối đe dọa với phái bộ ngoại giao, đã bị san phẳng đúng vào ngày 11/9 bởi hàng chục binh sĩ vũ trang hạng nặng làm bốn người Mỹ thiệt mạng. “Những thất bại có hệ thống và sự lãnh đạo cũng như quản lý thiếu sát sao ở các cấp cao trong hai vụ ở Bộ ngoại giao đã dẫn tới việc an ninh của phái bộ đặc biệt tại Benghazi quá mỏng và hết sức không đầy đủ để đối phó với cuộc tấn công đã diễn ra,” báo cáo viết. Ủy ban xem xét trách nhiệm giải trình (ARB), đơn vị thực hiện cuộc điều tra và viết báo cáo, cũng kết luận “không có biểu tình xảy ra trước những cuộc tấn công, hoàn toàn không thể ngờ trước về quy mô và cường độ.” Những cuộc tấn công nhắm vào tòa lãnh sự Mỹ và một khu nhà gần đó tại Benghazi, trở thành một sự cố chính trị lớn mà những người Cộng hòa dùng để chỉ trích chính quyền Dân chủ. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Susan Rice, đã bị phe Cộng hòa chỉ trích dữ dội do bà nói vài ngày sau vụ tấn công là những thông tin tình báo tốt nhất bà có được cho thấy vụ tấn công xảy ra sau những cuộc biểu tình không nhờ trước bên ngoài phái bộ ngoại giao. Bà Rice sau đó đã phải trả giá bằng việc buộc phải rút khỏi đề cử cho vị trí bộ trưởng ngoại giao thay cho bà Hillary Clinton, sẽ từ nhiệm vào đầu năm 2013. Trong phần công khai của bản báo cáo, ủy ban nói họ tin rằng mọi nỗ lực có thể đã được tiến hành để cứu đại sứ Mỹ Chris Stevens, người thiệt mạng trong vụ tấn công, đại sứ Mỹ đầu tiên chết khi làm nhiệm vụ trong ba thập kỷ qua. Clinton nói bà chấp nhận “mọi điều” trong 29 khuyến nghị của ARB, vốn đã mất ba tháng để đưa ra kết quả điều tra. Bà cũng nói Bộ ngoại giao đang phối hợp với Lầu năm góc để “bố trí hàng trăm lính thủy đánh bộ tăng cường cho các nhiệm sở,” đồng thời huấn luyện thêm các nhân viên an ninh cho những cơ sở ngoại giao. Bản báo cáo đã cung cấp “cái nhìn rõ ràng về những thách thức nghiêm trọng, có hệ thống mà chúng tôi đã bắt đầu đối phó,” Clinton nói trong một bức thư gửi cho các nghị sĩ. Bà cũng nói mọi người ở Bộ ngoại giao đều chó trách nhiệm với an toàn của những nhà ngoại giao Mỹ ở nước ngoài, “và quan trọng nhất là trách nhiệm của tôi với tư cách bộ trưởng.” Bà Clinton ủng hộ những phát hiện trong báo cáo hối thúc quốc hội xem xét lại ngân sách dành cho Bộ ngoại giao trong năm 2013 để đảm bảo an ninh cho các nhiệm sở ngoại giao Mỹ tại nước ngoài. Báo cáo nói ngân sách cho Bộ Ngoại giao chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng chi ngân sách quốc gia và cảnh báo “quốc hội phải thực thi vai trò của mình để đối phó với thách thức này và cung cấp những nguồn lực cần thiết cho Bộ Ngoại giao để giải quyết các rủi ro an ninh và đáp ứng những yêu cầu của các phái bộ ở nước ngoài”.
Khung cảnh trong lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi sau vụ tấn công ngày 11/9 (Nguồn: AFP)
Cuộc điều tra cho thấy “có sự nhận thức chung giữa những nhân viên làm việc ở Benghazi là phái bộ đặc biệt không phải là ưu tiên cao với Washington,” báo cáo viết. Những yêu cầu được lặp lại nhiều lần muốn tăng cường an ninh cho lãnh sự quán và đại sứ quán ở Benghazi và Tripoli đã bị phớt lờ, báo cáo cho biết. Theo báo cáo, an ninh của phái bộ Mỹ ở Libya chỉ được bảo đảm bởi các tay súng địa phương có vũ trang nhưng kỹ năng kém và một công ty bảo vệ mà nhân viên không được vũ trang cũng của địa phương. Bà Clinton đã giao cho người phó Tom Nides đứng đầu nhóm công tác của Bộ Ngoại giao triển khai những đề xuất trong báo cáo. Phần công khai của báo cáo được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, còn phần mật được chuyển cho các thành viên ở những ủy ban thuộc hai viện quốc hội Mỹ. Chủ tịch ARB là nhà ngoại giao kỳ cựu Thomas Pickering, còn phó chủ tịch là đô đốc Mike Mullen, cựu chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân./.
Trần Trọng (Vietnam+)