Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/7 đã quyết định kéo dài thời hạn cho phép các doanh nghiệp nhỏ nộp đơn xin vay cứu trợ theo Chương trình Đảm bảo Tiền lương (PPP) đến ngày 8/8.
Chương trình cứu trợ tài chính dành cho các doanh nghiệp nhỏ chịu thiệt hại bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã được khởi động từ tháng Tư nhằm mục tiêu bảo vệ việc làm và hạn chế nguy cơ sa thải lao động hàng loạt.
Động thái mới nhất này giúp các chủ doanh nghiệp có thêm 5 tuần để xin hỗ trợ tài chính.
Ước khoảng 130 tỷ USD trong tổng số 659 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ dành cho PPP hiện vẫn chưa được sử dụng đến. Các nhà quan sát lo ngại văn phòng Quản lý doanh nghiệp nhỏ của Mỹ, phụ trách quản lý các khoản cho vay, có thể tiếp tục gặp khó khăn trong việc phân phối tiền một cách công bằng.
Ngay từ đầu, chương trình hỗ trợ theo mô hình “đến trước được phục vụ trước” chưa từng có tiền lệ này đã vấp phải nhiều vấn đề liên quan đến công nghệ và giấy tờ, khiến một số doanh nghiệp không thể đăng ký nhận cứu trợ, trong khi một số công ty giàu có lại nhận được các khoản vay.
[Mỹ: Hơn 80% số doanh nghiệp nhỏ bi quan về triển vọng kinh doanh]
Reuters mới đây đưa tin lỗi kỹ thuật trong hệ thống của Chính phủ Mỹ đã khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ nhận được khoản vay hai lần hoặc thậm chí nhiều lần.
Trước đó, theo tờ Financial Times, số doanh nghiệp Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản đã tăng mạnh nhất kể từ năm 2013, giữa lúc đại dịch COVID-19 tiếp tục gây ra tình trạng đình trệ trên toàn nước Mỹ.
Trích dẫn số liệu của tổ chức dịch vụ pháp lý Epiq, Financial Times cho hay 3.427 doanh nghiệp ở Mỹ đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 Luật Phá sản của Mỹ trong nửa đầu năm 2020, xấp xỉ con số 3.491 của nửa đầu năm 2008.
Số liệu này trái ngược với tình hình kinh tế đang cải thiện của Mỹ sau những gói cứu trợ và các biện pháp hỗ trợ kinh tế của các ngân hàng trung ương trên thế giới, trong khi các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại.
Theo ông Sudeep Kesh, người phụ trách bộ phận nghiên cứu thị trường tín dụng của S&P Global Ratings, các doanh nghiệp nói trên rất khó có thể hoạt động và tồn tại trong tình hình không có doanh thu.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Mỹ ghi nhận có 8.614 công ty phá sản và con số này tăng lên 12.644 trong năm 2009./.