Mỹ, Israel tìm sự ủng hộ của người Do Thái về hạt nhân Iran

Trong cuộc gặp kín với các lãnh đạo cộng đồng Do Thái, Tổng thống Obama đã trình bày chi tiết về thỏa thuận hạt nhân và hối thúc những người phản đối đưa ra lập luận của mình dựa trên các dữ liệu xác thực.
Tổng thống Barack Obama. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 4/8 cùng hướng tới cộng đồng người gốc Do Thái tại Mỹ để tìm kiếm ủng hộ cho lập trường của mình trong vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran.

Theo các nguồn tin tại chỗ, Tổng thống Obama đã có cuộc gặp kín kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ với các lãnh đạo cộng đồng Do Thái tại Nhà Trắng. Tại đây, ông đã trình bày chi tiết về thỏa thuận hạt nhân và hối thúc những người phản đối đưa ra lập luận của mình dựa trên các dữ liệu xác thực.

Chủ nhân Nhà Trắng cho hay nếu Quốc hội bác bỏ thỏa thuận trên, ông hoặc tổng thống đời tiếp theo sẽ sớm phải đối mặt với một lựa chọn về việc sử dụng tới biện pháp quân sự để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.

Cuộc gặp của Tổng thống Obama diễn ra chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Netanyahu có một cuộc nói chuyện trực tuyến do các nhóm người Mỹ gốc Do Thái tổ chức.

Trong cuộc trao đổi với 10.000 người tham dự, nhà lãnh đạo Israel gọi thỏa thuận hạt nhân vừa được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) là một "thỏa thuận tồi" đưa Tehran đến sát ngưỡng cửa sở hữu bom hạt nhân. Ông cũng khẳng định lập trường của Israel là theo đuổi hòa bình, phản bác lập luận của Tổng thống Obama cho rằng những ý kiến phản đối thỏa thuận Iran đều là do mong muốn chiến tranh.

Israel - một trong những đồng minh gần gũi nhất của Mỹ tại Trung Đông, đã phản ứng mạnh mẽ với việc các cường quốc và Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân trung tuần tháng Bảy vừa qua. Chính quyền Tel Aviv đã chỉ trích đây là một "sai lầm lịch sử" mở đường cho Iran chế tạo vũ khí hạt nhân đe dọa sự tồn tại của Israel cũng như an ninh của Mỹ và toàn cầu.

Ngày 14/7 vừa qua, sau 13 năm đàm phán dai dẳng, Iran và Nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận toàn diện cuối cùng về hồ sơ hạt nhân của Tehran, theo đó, Iran sẽ thu hẹp chương trình làm giàu urani đổi lại những biện pháp trừng phạt về kinh tế và tài chính đối với nước này sẽ được từng bước dỡ bỏ, có thể “sớm nhất từ đầu năm 2016”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục