Mỹ hối thúc đàm phán hòa bình Yemen "trong vòng 30 ngày tới"

Ngày 30/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã kêu gọi thiết lập một lệnh ngừng bắn tại Yemen và hối thúc các bên ngồi vào bàn đàm phán trong vòng 30 ngày tới.
Mỹ hối thúc đàm phán hòa bình Yemen "trong vòng 30 ngày tới" ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 30/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã kêu gọi thiết lập một lệnh ngừng bắn tại Yemen và hối thúc các bên ngồi vào bàn đàm phán trong vòng 30 ngày tới.

Phát biểu tại Viện Hòa bình ở Washington, người đứng đầu Lầu Năm Góc cho rằng Mỹ đã giám sát cuộc xung đột tại Yemen "đủ lâu" đồng thời tin tưởng Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã sẵn sàng đàm phán.

Hai quốc gia này tham gia liên minh quân sự các nước Arab được Mỹ hậu thuẫn chống phiến quân Houthi tại Yemen.

Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh cần hướng đến một nỗ lực hòa bình tại Yemen, và thay vì cam kết sẽ thực hiện điều này vào một thời điểm nào đó trong tương lai thì các bên cần triển khai ngay trong 30 ngày tới. Mỹ kêu gọi các bên liên quan gặp đặc phái viên Liên hợp quốc về Yemen, Martin Griffiths tại Thụy Điển vào tháng 11 tới để "tìm ra một giải pháp lâu dài" cho cuộc khủng hoảng tại Yemen.

[Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi ngừng không kích các khu dân sinh ở Yemen]

Các bên cần ngồi vào bàn đàm phán để thiết lập một lệnh ngừng bắn, theo đó phiến quân Houthi rút khỏi vùng biên giới và ngừng các chiến dịch ném bom để mở đường cho đặc phái viên Griffiths chủ trì các cuộc đàm phán tại Thụy Điển nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh này.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng kêu gọi liên minh quân sự Arab chấm dứt tất cả các cuộc không kích nhằm vào những khu đông dân cư tại Yemen. Ông Pompeo nêu rõ đã đến lúc các bên cần chấm dứt các hành động thù địch, ngừng tất cả các cuộc không kích nhằm vào khu vực đông dân cư ở Yemen cũng như các hành động phóng tên lửa và không kích bằng máy bay không người lái từ các vùng do Houthi kiểm soát tại Yemen nhắm vào Saudi Arabia và UAE.

Yemen là một trong những quốc gia Arab nghèo nhất, bị chiến tranh tàn phá nặng nề kể từ khi phiến quân Houthi theo dòng Hồi giáo Shi'ite chiếm giữ phần lớn đất nước, bao gồm cả thủ đô Sanaa vào năm 2014. Năm 2015, Saudi Arabia dẫn đầu liên minh quân sự các nước Arab can thiệp vào Yemen, ủng hộ chính phủ của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi được quốc tế công nhận nhưng phải lưu vong.

Xung đột đã khiến gần 10.000 người Yemen thiệt mạng, trong khi Liên hợp quốc cảnh báo quốc gia này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, với khoảng 7 triệu người chịu ảnh hưởng của nạn đói và hơn 20.000 người tử vong do dịch tả. Thời gian gần đây, Mỹ vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế vì ủng hộ liên minh quân sự của các nước Arab, đặc biệt sau hàng loạt cuộc không kích của liên minh này khiến nhiều dân thường thiệt mạng.

Tháng trước, kế hoạch đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ không đạt kết quả do Houthi từ chối đến Geneve tham gia đàm phán với lý do Liên hợp quốc không đảm bảo được việc phái đoàn của Houthi an toàn trở về thủ đô Sanaa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục