Giới chức Mỹ cho rằng các nước cần nỗ lực duy trì và đẩy mạnh đà tăng trưởng kinh tế nhằm cải thiện tình hình sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo về một năm 2014 đáng thất vọng cũng như cảnh báo các nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai gần.
Phát biểu ngày 19/9 trước thềm hội nghị Bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Australia, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew nhấn mạnh trong năm nay, kinh tế toàn cầu chưa thực sự khởi sắc, phản ánh rõ qua diễn biến thực tế tại các nước thuộc Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Nhật Bản và một số nền kinh tế đang nổi như Brazil hay Trung Quốc.
Theo quan chức Nhà Trắng, để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn và ổn định, chính phủ các nước cần chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở, qua đó thúc đẩy thị trường lao động và nhu cầu nội địa. Đây cũng là một phần trong nội dung chương trình nghị sự của hội nghị tới, dự kiến diễn ra cuối tuần này.
Bộ trưởng Lew khẳng định là nền kinh tế số một thế giới, Mỹ cam kết tiếp tục đóng góp nguồn lực vào kinh tế toàn cầu, cùng các nước nỗ lực khôi phục kinh tế sau nhiều năm suy thoái.
Những phát biểu trên của người đứng đầu ngành tài chính Mỹ được đưa ra sau khi WB hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, từ 3,2% xuống còn 2,7%, đồng thời cảnh báo những rủi ro tiềm ẩn trong thời gian tới.
Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho rằng mặc dù bức tranh kinh tế thế giới đã xuất hiện nhiều mảng sáng, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những mảng tối có khả năng lan rộng, đặc biệt tại các nước đang phát triển.
Theo ông, những nước này sẽ gặp trở ngại khi thị trường tài chính biến động xuất phát từ việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dần thu hẹp gói nới lỏng định lượng (QE3).
Theo dự kiến, Hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 sẽ diễn ra trong hai ngày 20-21/9 tại thành phố biển Cairns của Australia.
Lãnh đạo ngành tài chính các nước sẽ tập trung thảo luận về những biện pháp nhằm đẩy mạnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng cường thương mại, qua đó giúp đạt mục tiêu đầy tham vọng là tổng sản phẩm quốc nội của các nước G20 tăng 2% trong 5 năm tới.
Ngoài ra, các bộ trưởng và thống đốc ngân hàng trung ương các nước cũng đề cập đến những cải cách trong cạnh tranh kinh tế và cải thiện thị trường lao động./.