Mỹ hoãn quyết định về vụ sáp nhập hai "gã khổng lồ" ngành thép

CFIUS cho rằng việc Nippon Steel thâu tóm US Steel có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thép cần thiết cho các dự án giao thông, xây dựng và nông nghiệp quan trọng.

Trụ sở Tập đoàn thép Nippon Steel ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Trụ sở Tập đoàn thép Nippon Steel ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Một nguồn tin cho biết, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, vốn đang xem xét đề nghị mua lại công ty thép U.S. Steel với giá 14,9 tỷ USD của doanh nghiệp thép Nippon Steel (Nhật Bản), sẽ cho phép hai nhà sản xuất thép này nộp lại đơn xin phê duyệt thỏa thuận, đồng thời trì hoãn quyết định về vụ sáp nhập cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới.

Động thái này mang lại tia hy vọng cho U.S. Steel và Nippon Steel, trong lúc thỏa thuận sáp nhập có nguy cơ bị ngăn chặn sau khi Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) ngày 31/8 cáo buộc thỏa thuận này gây rủi ro cho an ninh quốc gia do đe dọa nguồn cung thép cho các ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ.

CFIUS cần thêm thời gian để đánh giá tác động của thỏa thuận đối với an ninh quốc gia. Việc nộp lại đơn xin phê duyệt thỏa thuận sẽ đặt ra thời hạn mới là 90 ngày để xem xét đề xuất và đưa ra quyết định.

Luật sư CFIUS của DLA Piper, Nick Klein, cho biết việc kéo dài thời gian sẽ giảm bớt áp lực cho các bên và quan trọng là lùi thời điểm đưa ra quyết định đến sau cuộc bầu cử.Thỏa thuận giữa U.S. Steel và Nippon Steel đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi.

Trong tháng này, Phó Tổng thống Mỹ và là ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Kamala Harris cho biết tại một cuộc vận động tranh cử ở bang Pennsylvania, nơi US Steel đặt trụ sở chính, rằng bà muốn US Steel vẫn “do Mỹ sở hữu và điều hành.” Nhà Trắng ngày 17/9 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng có cùng quan điểm.

Trong khi đó, ứng cử viên của đảng Cộng hòa là cựu Tổng thống Donald Trump cũng đã cam kết sẽ phản đối thỏa thuận này nếu đắc cử.

Nghiệp đoàn lao động ngành thép United Steelworkers Union, vốn kịch liệt phản đối thỏa thuận này, ngày 17/9 nói rằng không có gì thay đổi liên quan đến những rủi ro mà việc Nippon Steel mua lại U.S.

Steel sẽ gây ra đối với an ninh quốc gia hoặc những lo ngại lớn về chuỗi cung ứng.

CFIUS cho rằng việc Nippon Steel thâu tóm US Steel có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thép cần thiết cho các dự án giao thông, xây dựng và nông nghiệp quan trọng.

CFIUS cũng dẫn ra tình trạng dư thừa thép giá rẻ của Trung Quốc trên toàn cầu và nói rằng nếu được Nippon Steel thâu tóm, US Steel sẽ ít có khả năng đề nghị áp thuế đối với các nhà nhập khẩu thép nước ngoài.

CFIUS nói thêm rằng các quyết định của Nippon Steel có thể dẫn đến việc giảm năng lực sản xuất thép trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục