Ngày 8/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết Washington hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cuối tuần qua, đồng thời khẳng định việc duy trì hợp tác với hai đồng minh nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.
Hãng tin Yonhap dẫn lời ông Patel nêu rõ việc hai nước láng giềng Đông Bắc Á xích lại gần nhau đánh dấu "một chương mới quan trọng và một khởi đầu mới cho các đối tác liên minh của Mỹ."
Ông nhấn mạnh Mỹ sẽ duy trì hợp tác, thông qua liên minh với Hàn Quốc và Nhật Bản, cùng các đối tác khác thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Người phát ngôn trên cũng cho biết Mỹ hoan nghênh việc tăng cường hợp tác giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như tăng cường hợp tác ba bên bởi điều này sẽ mang lại lợi ích cho các nước.
[Thủ tướng Nhật Bản công du Hàn Quốc: Kỳ vọng kỷ nguyên mới]
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã thăm Hàn Quốc trong hai ngày 7 và 8/5. Đây là chuyến thăm song phương đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản đến Hàn Quốc sau 12 năm, diễn ra chưa đầy 2 tháng sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol thăm Tokyo.
Chuyến thăm đánh dấu việc nối lại toàn diện quan hệ ngoại giao chính thức giữa các nhà lãnh đạo hai nước, vốn bị đóng băng trong hơn một thập kỷ.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh, hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng Hàn Quốc và Nhật Bản cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong các chương trình nghị sự về an ninh, kinh tế và các vấn đề toàn cầu, đồng thời khẳng định việc cải thiện quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người dân hai nước, nhất trí phát triển quan hệ song phương lên tầm cao mới trong tương lai.
Hai nhà lãnh đạo nhận ra rằng không nên để các tranh chấp lịch sử chưa được giải quyết tiếp tục ngăn cản nỗ lực tăng cường hợp tác hiện tại và tương lai bởi vì như Tổng thống Yoon Suk-yeol đã khẳng định: “Mối quan hệ Seoul-Tokyo được cải thiện sẽ mang lại lợi ích cho người dân ở cả hai nước.”
Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ tiếp sức thêm cho sự khởi đầu tích cực từ Hàn Quốc trước đó với kế hoạch của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol sử dụng các quỹ của công ty Hàn Quốc để bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức mà không yêu cầu Nhật Bản đóng góp./.