Vì sao vào giờ chót ngày 30/4 chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định hoãn thêm một tháng việc áp thuế mới đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU)? Đài RFI dẫn lời nhiều chuyên gia cho rằng đây là chiến thuật hoãn binh mà Mỹ áp dụng đối với một khối có tầm quan trọng chiến lược, để rảnh tay bước vào cuộc đàm phán thương mại cam go với Trung Quốc.
Phản ứng trước quyết định tạm hoãn được Nhà Trắng công bố, EU không hề tỏ vẻ vui mừng mà trái lại đã biểu lộ thái độ thất vọng, cho rằng quyết định không dứt khoát miễn áp thuế đối với châu Âu chỉ “kéo dài tình trạng bấp bênh,” không có lợi cho kinh doanh.
[Trung Quốc không nhượng bộ trước các đe dọa về thương mại]
Giới phân tích đã gắn liền động thái hoãn binh của Mỹ đối với châu Âu với sự kiện một phái đoàn Mỹ sang Trung Quốc để đàm phán Bắc Kinh về việc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo bà Monica de Bolle, chuyên gia cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Tổng thống Mỹ không thể đơn độc đương đầu với Trung Quốc trong một cuộc chiến thương mại và EU biết rõ điều đó.
Bà cho rằng tầm quan trọng của EU đối với Mỹ vượt xa khuôn khổ thương mại hay bất cứ điều gì liên quan đến thép hoặc nhôm, vì Brussels rõ ràng có ý nghĩa quan trọng về chiến lược và ngoại giao mà Washington không thể bỏ qua.
Mặt khác, EU cũng phản đối chính sách của Trung Quốc về sở hữu trí tuệ, song nếu liên minh này vẫn bị Mỹ tấn công trong lĩnh vực nhôm và thép thì họ sẽ không ủng hộ Washington trong cuộc chiến chống Bắc Kinh.
Chuyên gia thương mại Edward Alden cho rằng Washington không muốn gây sự với Brussels vào thời điểm mà phái đoàn thương mại Mỹ đến Bắc Kinh. Chính vì không muốn mở ra một mặt trận khác với châu Âu nên chính quyền Tổng thống Trump đã quyết định hoãn áp thuế trên nhôm và thép.
Ông Eswar Prasad, Giáo sư chính sách thương mại tại Đại học Cornell ở Mỹ, nhận định việc chỉ kéo dài việc miễn áp thuế một thời gian ngắn cho phép chính quyền Tổng thống Trump duy trì áp lực đối với châu Âu, buộc Brussels phải nhượng bộ trên một số lĩnh vực thương mại theo mong muốn của Washington.
Theo ông Alden, trong vấn đề này, Washington đang đặt cược với khả năng một số nước khác ngoài châu Âu như Brazil, Australia và Hàn Quốc, chịu thua và chấp nhận các điều kiện của Mỹ. Trong tình hình đó, EU sẽ bị đơn độc nếu tiếp tục cứng rắn./.