Mỹ hành động giải quyết khủng hoảng già hóa dân số

Một nhóm hoạt động xã hội Mỹ đưa ra kế hoạch hành động nhằm biến "khủng hoảng già hóa dân số" thành động lực cho sự phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh già hóa dân số đang ngày càng trở thành mối lo ngại chính ở các quốc gia phát triển, một nhóm hoạt động xã hội Mỹ mới đây đã đưa ra kế hoạch hành động nhằm biến "khủng hoảng già hóa dân số" thành động lực cho sự phát triển kinh tế.

Liên minh toàn cầu về già hóa dân số - được thành lập bởi một nhóm các tập đoàn kinh doanh khổng lồ của Mỹ như Intel, Ngân hàng Mỹ, Pfizer và một số công ty khác với mục đích thúc đẩy sự hiểu biết của thế giới về vấn đề già hóa dân số, đã đưa ra một kế hoạch với tên gọi "Các nguyên tắc toàn cầu về già hóa dân số," đồng thời kêu gọi các chính phủ, tập đoàn và những cá nhân có lợi ích liên quan thông qua những nguyên tắc này.

Trong một tuyên bố của mình, nhóm này khẳng định: "Biến 'khủng hoảng già hóa dân số' đang diễn ra trên toàn cầu thành cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới cần những thay đổi căn bản trong chính sách và những ưu tiên của chính phủ, các tập đoàn, các tổ chức phi chính phủ và những cá nhân có lợi ích liên quan."

Kế hoạch này đưa ra 7 nguyên tắc cốt lõi nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp, chính phủ, cộng đồng và cá nhân thực hiện những thay đổi cần thiết để tối đa cơ hội cho dân số già trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế.

Các nguyên tắc này bao gồm cả những tuyên bố khuyến khích sự hợp tác giữa nhà nước và tư nhân trong việc nâng cao các giải pháp cũng như có cái nhìn lạc quan và tổng thể về vấn đề già hóa dân số. Những nguyên tắc được đưa ra tập trung vào bốn lĩnh vực chủ yếu là nghiên cứu y sinh học, công nghệ và sáng tạo; sức khỏe; lao động và giáo dục; an ninh tài chính.

Tuổi thọ tăng, tỷ lệ sinh giảm là những nguyên nhân khiến thế giới đang phải đối mặt với thực tế già hóa dân số. Theo dự báo của Liên minh toàn cầu về già hóa dân số, những người trên 65 tuổi tại các quốc gia thuộc nhóm G-20 sẽ tăng lên 124% trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2030.

Trên phạm vi toàn thế giới, con số này sẽ là gần 2 tỷ người - gấp đôi so với giai đoạn 1950-2050 với tỷ lệ gia tăng hàng năm là 2,4% tại các quốc gia phát triển và 3% tại các quốc gia đang phát triển trong giai đoạn từ năm 2000-2050./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục