Ngày 24/10, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Washington và Seoul đã tổ chức một vòng đàm phán mới ở Hawaii về vấn đề chia sẻ chi phí duy trì binh sỹ Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên.
Cuộc đàm phán kéo dài hai ngày đã chính thức bắt đầu ở Honolulu, Hawaii, ngày 23/10 (theo giờ địa phương) nhằm xác định khoản tiền mà Seoul cần phải chi trả trong năm tới và các năm tiếp theo cho hoạt động đồn trú của 28.500 binh sỹ thuộc Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK).
Nhà đàm phán hàng đầu của Hàn Quốc Jeong Eun-bo và người đồng cấp Mỹ James DeHart đã có cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên. Trước khi lên đường tới Hawaii, ông Jeong Eun-bo đã cam kết sẽ đảm bảo Hàn Quốc chia sẻ chi phí trong khuôn khổ liên minh Mỹ-Hàn và từ góc độ kinh tế theo một cách phù hợp và công bằng.
[Mỹ, Hàn Quốc lên kế hoạch tổ chức đàm phán về chi phí quốc phòng]
Trong các cuộc đàm phán tuần này, Seoul và Washington có thể phải đối mặt với hàng loạt vấn đề bất đồng, trong đó có khoản tiền mà Seoul phải chi trả, thời hạn của Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt (SMA) mới và các vấn đề cụ thể khác.
Trước đó, Mỹ và Hàn Quốc đã tổ chức vòng đàm phán trong các ngày 24 và 25/9, thảo luận việc gia hạn SMA để xác định Seoul sẽ chi trả bao nhiêu cho chi phí đồn trú khoảng 28.500 binh sỹ Mỹ tại Hàn Quốc. SMA dự kiến hết hiệu lực vào ngày 31/12 tới.
Từ năm 1991, Seoul đã chia sẻ một phần chi phí theo SMA cho việc tuyển dụng người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự để duy trì sự sẵn sàng của liên minh, cũng như các dự án cải thiện phòng thủ chung và nhiều hình thức hỗ trợ khác.
Theo SMA được ký tháng 2 vừa qua, Seoul đồng ý đóng góp khoản kinh phí 1.040 tỷ won (879 triệu USD), tăng 8,2% so với mức 960 tỷ won (820 triệu USD) của năm trước./.