Mỹ-Hàn-Nhật "đang đàm phán" về chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa

Theo truyền thông Nhật Bản, Mỹ-Hàn-Nhật đang nỗ lực đạt thỏa thuận chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa trong các cuộc thảo luận dự kiến diễn ra bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore vào tháng Sáu.
Tàu JS Atago của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản, tàu khu trục USS Barry của Mỹ và tàu khu trục lớp Sejong Đại đế của Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận phòng thủ tên lửa ở vùng biển quốc tế phía Đông đảo Ulleung của Hàn Quốc, ngày 22/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng tin Yonhap, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 9/5 cho biết nước này cùng với Mỹ và Nhật Bản vẫn đang đàm phán về các cách thức chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa theo thời gian thực.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Seoul, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Jeon Ha-kyu nêu rõ các cuộc tham vấn về chi tiết cách thức chia sẻ dữ liệu đang diễn ra và hiện vẫn chưa có quyết định chính thức nào.

Các cuộc tham vấn diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nhất trí về việc chia sẻ dữ liệu này trong cuộc gặp ba bên tại Campuchia vào tháng 11/2022.

Trước đó, nhật báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản đưa tin Seoul, Washington và Tokyo đang cân nhắc phương án chia sẻ nhanh dữ liệu cảnh báo tên lửa thông qua hệ thống của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ (INDOPCOM), dựa trên thỏa thuận chia sẻ thông tin ba bên ký kết năm 2014.

[Hàn, Mỹ, Nhật thúc đẩy hợp tác đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên]

Theo báo Yomiuri Shimbun, ba nước đang nỗ lực đạt một thỏa thuận về biện pháp chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa trong các cuộc thảo luận dự kiến diễn ra bên lề Đối thoại Shangri-La - diễn đàn an ninh thường niên tại Singapore - vào tháng Sáu tới.

Hiện việc chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa theo thời gian thực từ các radar và thiết bị khác đang diễn ra giữa quân đội Hàn Quốc và lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, giữa Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và lực lượng Mỹ tại Nhật Bản.

Thỏa thuận trên dự kiến giúp chia sẻ dữ liệu ba bên thông qua INDOPACOM. Thông tin thu thập qua phương thức này dự kiến sẽ tăng cường khả năng của ba nước trong việc phát hiện và theo dõi các tên lửa đang phóng đến.

Một số nhà quan sát cho rằng nếu được hoàn tất, thỏa thuận có thể dẫn đến việc thiết lập một cấu trúc phòng thủ tên lửa trong khu vực nhằm chống lại các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ bên ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục