Mỹ-Hàn lựa chọn cách hợp tác để hỗ trợ phục hồi kinh tế Đông Nam Á

Mỹ-Hàn lựa chọn cách hợp tác để hỗ trợ phục hồi kinh tế ASEAN

Theo các chuyên gia, quan hệ Mỹ-Hàn ở ASEAN giúp hỗ trợ ổn định kinh tế và khả năng phục hồi khu vực, đặc biệt khi đối mặt với những thách thức toàn cầu lớn như biến đổi khí hậu và phục hồi sau dịch.
Mỹ-Hàn lựa chọn cách hợp tác để hỗ trợ phục hồi kinh tế ASEAN ảnh 1(Nguồn: americanprogress.org)

Theo tạp chí Eurasia Reviews mới đây, các ước tính cho thấy hậu quả kinh tế của đại dịch COVID-19 đối với các nước Đông Nam Á sẽ còn lan rộng và lâu dài hơn cả hai cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Điều này khiến các mối quan hệ đối tác toàn cầu trở nên quan trọng để hướng đến các nỗ lực phục hồi.

Theo các chuyên gia tại một cuộc hội thảo do Trung tâm Đông Tây tổ chức, quan hệ đối tác giữa Mỹ và Hàn Quốc ở Đông Nam Á đã giúp hỗ trợ ổn định kinh tế và khả năng phục hồi khu vực, đặc biệt khi đối mặt với những thách thức toàn cầu lớn như biến đổi khí hậu và phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Trong phát biểu khai mạc, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong bối cảnh Trung Quốc đang cố gắng mở rộng phạm vi ảnh hưởng và Mỹ cũng đang tìm kiếm các mối quan hệ chặt chẽ hơn, "một sự cân bằng quyền lực mong manh (trong khi đặt ra tình thế khó xử cho tất cả các nước liên quan) cũng mang lại nhiều cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn giữa Hàn Quốc và Mỹ để theo đuổi các mục tiêu chun."

Tăng cường các mối quan hệ mới

Liên minh Mỹ-Hàn Quốc đã mở rộng trong những năm gần đây và "được xây dựng dựa trên các giá trị chung cũng như sự tôn trọng sâu sắc, mang tính ràng buộc đối với dân chủ, minh bạch, tự do và pháp quyền," ông Scott Walker, Giám đốc Văn phòng các vấn đề Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Thương mại song phương giữa Mỹ và Hàn Quốc đạt 156 tỷ USD vào năm 2020, trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đạt 382,5 tỷ USD.

[Quan chức Mỹ và Hàn Quốc thảo luận về vấn đề chuỗi cung ứng]

Theo ông Walker, mối quan hệ Mỹ-Hàn Quốc đã được củng cố hơn nữa sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Biden vào tháng 5/2021, khi hai nhà lãnh đạo cam kết thiết lập mối quan hệ mới trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, sức khỏe toàn cầu và phục hồi chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, việc ra đời của Chính sách hướng Nam mới (NSP) của Tổng thống Moon Jae-in năm 2017 là nhằm mục đích cải thiện đối thoại giữa Hàn Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN thông qua hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, công nghệ và sức khỏe cộng đồng.

Mỹ gần đây cũng đã tham gia hiệp ước an ninh ba bên với Vương quốc Anh và Australia (AUKUS). Hiệp ước này sẽ giúp Australia lần đầu tiên chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và thúc đẩy chia sẻ thông tin tình báo tốt hơn giữa các quốc gia. Ông Walker nói: "Tôi nghĩ rằng hầu hết các nước trong khu vực đều coi sự hiện diện của Mỹ trong khu vực là đem lại ổn định."

Xây dựng niềm tin

Ông Scot Marciel, cựu Đại sứ Mỹ tại một số quốc gia Đông Nam Á và hiện là thành viên thăm viếng tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương của Đại học Stanford, cho biết quan hệ đối tác chiến lược của Mỹ với Hàn Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng lòng tin trong khu vực, vì Hàn Quốc là quốc gia ít bị nghi ngờ hơn so với các đồng minh trong khu vực.

Ông Marciel nói rằng: "Chúng tôi có thể giảm thiểu điều đó bằng cách tích cực tham vấn và đối thoại với các đối tác để biết quan điểm của họ trước khi thúc đẩy các mối quan hệ."

Đồng quan điểm này, Tiến sỹ Chiew-Ping Hoo, giảng viên cao cấp của Chương trình Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quốc gia Malaysia, nhất trí cho rằng nhìn chung các nước Đông Nam Á ít nghi ngờ với Hàn Quốc hơn khi so với các đối tác chiến lược khác như Nhật Bản hay Mỹ.

Mỹ-Hàn lựa chọn cách hợp tác để hỗ trợ phục hồi kinh tế ASEAN ảnh 2(Ảnh: TTXVN)

"Các quốc gia ASEAN sẵn sàng chấp nhận kết nối mạng 5G và hợp tác xây dựng các thành phố thông minh với Hàn Quốc hơn, vì vậy, tôi nghĩ đó là một điểm khởi đầu để thúc đẩy sự hợp tác giữa Mỹ và Hàn Quốc ở khu vực," bà Hoo nói.

Các nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19

Theo Tiến sỹ Hoo, sự hợp tác tăng cường giữa Mỹ và Hàn Quốc có thể mang lại hiệu quả cho các quốc gia Đông Nam Á vẫn đang quay cuồng với những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong các lĩnh vực như thương mại và du lịch.

Bà Hoo nói: "Hai năm qua thực sự khó khăn đối với tất cả các nước, đặc biệt đối với các đối tác ASEAN, mà nhiều nước trong số này là các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi." Phần lớn các nước ASEAN đã ghi nhận mức tăng trưởng âm trong năm 2020 và thâm hụt tài chính, tỷ lệ thất nghiệp cao cũng như suy thoái kinh tế.

Trong khi đó, ông Walker nhận định Mỹ cũng là một đối tác quan trọng của Đông Nam Á trong việc giúp hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, đồng thời chỉ ra rằng Washington đã cung cấp hơn 40 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và tài trợ hơn 200 triệu USD để hỗ trợ khẩn cấp y tế và nhân đạo cho các nước thành viên ASEAN.

Ông nói: "Chúng tôi đang làm việc cùng nhau để giải quyết các vấn đề cấp bách nhất-liên quan đến biến đổi khí hậu, sức khỏe toàn cầu và các công nghệ mới nổi-tất cả đều mang ý nghĩa quan trọng đối với Đông Nam Á."

Các thách thức hợp tác

Tham luận của các đại biểu tại hội thảo do Trung tâm Đông Tây tổ chức đều thừa nhận rằng tăng cường ổn định chiến lược ở Đông Nam Á không phải là không có thách thức, bao gồm cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc và các động lực chính trị trong khu vực.

Ông Sang-Yoon Ma, Giáo sư về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Công giáo Hàn Quốc và là cựu Tổng vụ trưởng phụ trách chiến lược của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc lưu ý rằng Trung Quốc có thể lo ngại và sẽ theo dõi sự hợp tác, chia sẻ thông tin tình báo và đầu tư với Mỹ trong khu vực.

Bà Eui-hae Cecilia Chung, Tổng vụ trưởng phụ trách các vấn đề ASEAN và Đông Nam Á tại Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, cảnh báo rằng các thỏa thuận hợp tác song phương giữa các quốc gia - đặc biệt là Mỹ và Hàn Quốc - nên tính đến các khuôn khổ đa phương rộng hơn khi xây dựng chiến lược.

Bà Chung cho rằng hợp tác song phương là tốt nhưng cần phải gắn với các cấu trúc và khuôn khổ đã tồn tại trong khu vực ASEAN./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục