Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức gia hạn một số biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Myanmar thêm một năm, đồng thời khẳng định với quốc hội rằng quyết định này là cần thiết cho dù quốc gia Đông Nam Á này đã đạt được một số tiến bộ trong công cuộc cải cách.
Trong thư gửi các nhà lãnh đạo quốc hội ngày 15/5, Tổng thống Obama nêu rõ sẽ gia hạn thêm một năm Đạo luật tình trạng khẩn cấp quốc gia, theo đó cấm các doanh nghiệp và cá nhân Mỹ đầu tư vào Myanmar và quốc gia Đông Nam Á này cũng bị cấm xuất khẩu sang Mỹ.
Theo ông Obama, trong thời gian qua, Chính phủ Myanmar đã đạt được những bước tiến trong các vấn đề then chốt như quyết định thả tự do cho hơn 1.100 tù nhân chính trị, nỗ lực hướng đến thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc giữa chính phủ và các nhóm sắc tộc vũ trang, hợp pháp hóa các liên đoàn và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Tuy nhiên, bất chấp những bước tiến lớn trong nỗ lực cải cách, ông chủ Nhà Trắng nhận định tình hình ở Myanmar tiếp tục tạo ra mối đe dọa "khác thường" đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ.
Ông cũng cho rằng sự cởi mở chính trị ở quốc gia Đông Nam Á này vẫn chỉ mới xuất hiện và tiếp tục có những quan ngại liên quan đến tình trạng xung đột đang diễn ra tại các khu vực của người sắc tộc thiểu số, đặc biệt là bang Rakhine, cũng như vai trò mà quân đội tiếp tục nắm giữ trong các hoạt động chính trị và kinh tế của nước này.
Gần nửa thế kỷ qua, Mỹ và các quốc gia đồng minh đã áp đặt một loạt các biện pháp chế tài cứng rắn đối với Myanmar. Tuy nhiên, kể từ khi Myanmar thực hiện quá trình cải cách vào năm 2011, chính quyền của Tổng thống Obama đã có những động thái tích cực nhằm cải thiện quan hệ với quốc gia Đông Nam Á này, trong đó có việc nới lỏng các lệnh trừng phạt và bổ nhiệm Đại sứ Mỹ tại đây.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại trong công cuộc cải cách tại Myanmar trong bối cảnh xung đột sắc tộc và tôn giáo trong nước trong những năm gần đây vẫn còn là vấn đề nhức nhối./.