Thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ trong bốn tháng đầu của tài khóa 2021 (bắt đầu từ ngày 1/10/2020 đến 30/9/2021) đã tăng lên 735,7 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tính đến nay, do tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến nguồn thu từ thuế bị sụt giảm, trong khi hoạt động chi tiêu cho các biện pháp cứu trợ dich bệnh tăng vọt.
Bộ Tài chính Mỹ ngày 10/2 công bố báo cáo cho biết, thâm hụt trong bốn tháng đầu tài khóa 2021, cao hơn 89% so với mức thâm hụt 389,2 tỷ USD trong cùng thời gian năm trước.
Báo cáo cũng cho thấy hoạt động chi tiêu trong bốn tháng đầu tài khóa này đã tăng 22,7% lên 1.920 tỷ USD so với cùng kỳ tài khóa trước, trong khi doanh thu từ thuế của chính phủ giảm 0,8% xuống 1.190 tỷ USD.
Trong tháng 1/2021, Chính phủ Mỹ đã ghi nhận mức thâm hụt kỷ lục là 182,8 tỷ USD. Một trong những mục chi tiêu lớn trong tháng 1/2021 là đợt chi trả cứu trợ kinh tế cá nhân khác trị giá 139 tỷ USD, được trích từ gói cứu trợ 900 tỷ USD mà Quốc hội đã thông qua vào cuối tháng 12/2020.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc đẩy Quốc hội thông qua một gói cứu trợ mới trị giá 1.900 tỷ USD. Tuy nhiên, gói cứu trợ mới này vấp phải sự phản đối của các nghị sỹ đảng Cộng hòa.
[Bộ Thương mại Mỹ công bố các số liệu kinh tế "ảm đạm" trong năm 2020]
Trước tình hình đó, ông Biden đã nhấn mạnh rằng nguy cơ lớn hơn hầu như không có và các nghị sỹ đảng Dân chủ đã bắt đầu một quy trình cho phép họ thông qua gói cứu trợ 1.900 tỷ USD mà không cần sự ủng hộ của đảng Cộng hòa.
Toàn bộ các khoản chi cho việc cứu trợ COVID-19 đã khiến thâm hụt ngân sách của tài khóa 2020 (kết thúc vào ngày 30/9/2020) tăng lên mức kỷ lục 3.100 tỷ USD.
Con số này cao gấp hơn 3 lần mức thâm hụt ngân sách tài khóa 2019 là 984,4 tỷ USD, do các khoản chi tiêu nhiều hơn cho các chương trình trong nước và quốc phòng, cũng như biện pháp cắt giảm thuế năm 2017 của cựu Tổng thống Donald Trump.
Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cho hay Chỉ số giá tiêu dùng tổng hợp (CPI) trong tháng 1/2021 chỉ tăng 0,3% so với tháng 12/2020, bất chấp giá nhiên liệu tăng 7,4%. Và CPI lõi, không tính giá lương thực và năng lượng dễ biến động, đã không đổi trong tháng thứ hai liên tiếp.
Lạm phát đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc tranh luận về kế hoạch giải cứu nền kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất, bởi một số nhà kinh tế, đặc biệt là cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers, lo ngại việc chi tiêu quá mức nhưng không hiệu quả sẽ khiến giá cả tăng vọt./.