Mỹ: GDP quý 4 tăng ấn tượng, còn nhiều thách thức

GDP của Mỹ quý 4/2011 tăng 2,8%, nhanh nhất trong hơn một năm rưỡi qua, tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất này vẫn còn nhiều thách thức.
Kinh tế Mỹ trong quý 4/2011 tăng trưởng với tốc độ khá ấn tượng, nhưng với chi tiêu cầm chừng của người tiêu dùng và tốc độ đầu tư chậm của các doanh nghiệp báo hiệu trong năm nay, nền kinh tế lớn nhất thế giới nhiều khả năng sẽ tăng với tốc độ chậm hơn.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn báo cáo công bố ngày 27/1 của Bộ Thương mại Mỹ cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý cuối cùng của năm 2011 tăng 2,8%. Đây là tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất trong hơn một năm rưỡi qua.

Mức tăng này tuy thấp hơn mức dự báo 3,0% của một số chuyên gia, nhưng cao hơn các mức tăng 1,8%, 1,3% và 2,0% trong lần lượt các quý 1, 2 và 3/2011. Như vậy cả năm 2011, GDP của Mỹ tăng 1,7%, thấp hơn mức tăng 2,9% của cả năm 2010.

Tốc độ tăng GDP nhanh trong quý cuối cùng năm 2011 chủ yếu là do các doanh nghiệp gia tăng sản xuất hàng hóa. Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, yếu tố đóng góp tới hơn 70% vào sự phát triển kinh tế, trong quý 4/2011 cũng tăng 2% so với mức tăng 1,7% trong quý trước đó.

Sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế và tỷ lệ lạm phát thấp là một trong những nguyên nhân khiến Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa quyết định tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất cơ bản ở mức thấp gần như bằng 0% tới cuối năm 2014.

Tuy nhiên, trước tác động không nhỏ của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, cùng ngày, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner một mặt bày tỏ sự lạc quan về viễn cảnh phục hồi nhanh của kinh tế Mỹ nhưng cũng đồng thời cảnh báo “chúng ta vẫn đang trong giai đoạn sửa chữa những hỏng hóc do cuộc khủng hoảng tài chính gây ra. Trước mắt nước Mỹ và thế giới vẫn còn một loạt thách thức.”

Theo Bộ trưởng Geithner, trên thực tế nếu xem xét những dự báo của FED và của các chuyên gia kinh tế độc lập thì đều có những điểm chung và tương đồng trong đánh giá về mức độ tăng trưởng kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, điều này cũng còn phụ thuộc rất nhiều vào những diễn biến của kinh tế thế giới.

Hơn nữa cũng cần phải nhận thấy rằng kinh tế Mỹ sẽ còn phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn khi nước Mỹ hiện đang phải khắc phục những hậu quả do cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua gây ra mà hệ lụy của nó đã tác động đến hầu hết người dân Mỹ.

Các số liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chỉ số tiêu dùng cá nhân đã không tăng nhiều như mong đợi. Cụ thể, trong mùa mua sắm sôi động nhất trong năm, tiêu dùng cá nhân chỉ tăng 2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3,6% của năm trước đó. Chi đầu tư của các doanh nghiệp thì lại ở mức thấp nhất kể từ khi kết thúc cuộc suy thoái 2007-2008./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục