Ngày 22/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố các cường quốc công nghiệp thuộc Nhóm Các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đang triển khai nghiêm túc lời kêu gọi của ông yêu cầu các nước này dỡ bỏ thuế, hàng rào phi thuế quan và trợ cấp, đồng thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thúc đẩy vấn đề này trong các cuộc đàm phán sắp tới với ban lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU).
Phát biểu với báo giới sau khi hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) kết thúc, Bộ trưởng Mnuchin cho biết lập trường thương mại của Tổng thống Trump không phải là chính sách bảo hộ, mà là nền thương mại tự do và công bằng cho Mỹ.
Ông Mnuchin nêu rõ: "Chúng tôi ủng hộ ý tưởng rằng thương mại rất quan trọng với nền kinh tế toàn cầu, nhưng điều đó cần phải diễn ra công bằng và có đi có lại."
Ngoài ra, Bộ trưởng Mnuchin cũng cho hay ông không có các cuộc thảo luận riêng biệt với các quan chức Trung Quốc về thương mại tại hội nghị G20.
[Mỹ đứng trước cuộc chiến thương mại trên ''nhiều mặt trận'']
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, bất cứ khi nào Trung Quốc muốn đàm phán về những thay đổi có ý nghĩa đối với các giao dịch thương mại, phía Mỹ luôn sẵn sàng.
Ông cũng cho rằng thương mại không phải là vấn đề trọng tâm tại các cuộc thảo luận G20, đồng thời trấn an các nhà đầu tư rằng không nên lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ.
Trước đó, trong thông cáo báo chí được đưa ra cuối hội nghị G20 diễn ra ở thủ đô Buenos Aires của Argentina, các Bộ trưởng Tài chính G20 cảnh báo rằng "những căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng" đã gây ra nguy cơ đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, các bộ trưởng còn nhấn mạnh "sự cần thiết phải tăng cường đối thoại và hành động nhằm giảm nhẹ các nguy cơ và tăng cường lòng tin."
Trong thông cáo báo chí, các bộ trưởng G20 đã miêu tả mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện nay là "ổn", song lưu ý rằng "về ngắn và trung hạn", các nguy cơ đối với tăng trưởng sẽ "tăng."
Những nguy cơ này bao gồm tình trạng tài chính ngày càng dễ bị tổn thương, các căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng, mất cân bằng toàn cầu, tăng trưởng bấp bênh và yếu về cấu trúc, đặc biệt ở một số nền kinh tế tiên tiến./.