Ngày 20/9, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York đã "bơm" thêm 75 tỷ USD vào thị trường tài chính trong ngày thứ 4 liên tiếp nhằm duy trì sự kiểm soát của ngân hàng trung ương đối với lãi suất ngắn hạn.
Đáng chú ý, Fed New York thông báo nhu cầu tiền mặt trong ngày 20/9 đã không vượt quá 75 tỷ USD - mức tối đa mà ngân hàng này công bố chi cho các hợp đồng mua lại, hay còn gọi là lãi suất repos. Đây là dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu hụt tiền mặt đang hạ nhiệt.
Các ngân hàng thường sở hữu ít tiền mặt khi Fed thu hồi chương trình kích thích tài chính, trong đó mua lại số trái phiếu trị giá hàng nghìn tỷ USD thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính 2008-2009.
Khi các trái phiếu này đến kỳ đáo hạn, Fed chấp nhận thanh toán thay vì tái đầu tư, khiến dòng tiền chảy khỏi nền kinh tế và được thu về ngân sách.
Ngân hàng hay vay tiền trên thị trường trong thời gian ngắn, thường là qua đêm, để dự trữ tiền mặt không xuống dưới mức yêu cầu.
Trong khi đó, Fed cũng rút bớt hoặc "bơm" thêm tiền vào thị trường để duy trì mức lãi suất mục tiêu.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu tiền mặt những ngày gần đây lại buộc Fed New York phải "bơm" hơn 275 tỷ USD vào thị trường ngắn hạn do lãi suất tăng và có nguy cơ vượt khỏi ngưỡng mục tiêu của Fed.
Các đợt "bơm" tiền liên tiếp của Fed New York được thực hiện vào thời điểm các ngân hàng đang gặp khó khăn về thanh khoản, để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Từ chiều 16/9, lãi suất trên thị trường bắt đầu tăng vọt, gây ngạc nhiên cho các nhà giao dịch. Điều này cho thấy nhu cầu tiền mặt tăng đột ngột.
Để hạ lãi suất, ngày 17/9, Fed New York đã thực hiện nghiệp vụ mua lại với 53 tỷ USD được sử dụng trong số 75 tỷ USD được chấp thuận chi.
Trong hai ngày 18 và 19/9, ngân hàng này liên tiếp nhận được yêu cầu cung tiền vào thị trường vượt mức sẵn có và phải chi ra hàng chục tỷ USD cho thị trường trong hai ngày 18/9 và 19/9.
Trước tình hình trên, các nhà đầu tư đang đặt ra nghi ngại liệu việc tăng lãi suất đột ngột là một trục trặc kỹ thuật thuần túy hay là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn trong hệ thống tài chính.
Sự kiện này đã làm gợi nhớ về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi lãi suất trên thị trường tín dụng đột ngột tăng do các ngân hàng lo ngại rằng người vay sẽ phá sản trước khi trả được nợ.
Tuy nhiên, sau khi công bố cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong năm nay vào ngày 18/9, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định vấn đề thanh khoản không phải là mối lo ngại đối với kinh tế Mỹ.
Theo ông Powell, thời hạn nộp thuế đến gần và các đợt phát hành trái phiếu chính phủ gia tăng đang tạm thời hút tiền từ hệ thống tài chính./.