Ngày 30/6, Bộ Ngoại giao Iceland cho biết Mỹ và nước này đã ký kết một thỏa thuận cho phép lực lượng Mỹ quay trở lại đảo quốc vùng Bắc Âu này bởi Iceland là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) song không có quân đội.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Iceland Lilja Alfredsdottir nêu rõ đây là một sự thay đổi dần trong quan hệ hợp tác hai nước trong bối cảnh môi trường an ninh tại châu Âu, trong đó có khu vực Bắc Đại Tây Dương, đã thay đổi trong 10 năm qua.
Thỏa thuận trên nhấn mạnh tới hoạt động luân chuyển của các lực lượng quân sự Mỹ tại Iceland. Ngoài ra, hai nước cũng sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng, trong đó có việc tổ chức tập trận chung, huấn luyện và tiến hành các chiến dịch tìm kiếm cứu nạn chung.
Mỹ đã đảm nhận nhiệm vụ quốc phòng của Iceland từ năm 1951 theo một thỏa thuận giữa hai nước. Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, căn cứ quân sự Keflavik tại Iceland là một cơ sở chủ chốt của Mỹ và nó vẫn đóng vai trò quan trọng đối với NATO trong thời Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, vai trò của căn cứ này đã thu nhỏ qua từng năm, khiến Mỹ rút các lực lượng vũ trang khỏi đó vào năm 2006.
Theo nguồn tin quân sự Mỹ, trong ngân sách năm 2017, Mỹ sẽ chi 21,4 triệu USD để nâng cấp căn cứ Keflavik, cho phép triển khai các máy bay do thám P-8 tại đây./.