Mỹ, Đức nhất trí cung cấp xe chiến đấu bộ binh cho quân đội Ukraine

Mỹ dự định cung cấp xe chiến đấu bộ binh Bradley và Đức dự định cung cấp xe chiến đấu bộ binh Marder cho Ukraine, đồng thời có kế hoạch huấn luyện lực lượng vũ trang Ukraine.
Mỹ, Đức nhất trí cung cấp xe chiến đấu bộ binh cho quân đội Ukraine ảnh 1Xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Chiều 5/1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận về cuộc chiến tại Ukraine.

Tại cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định sự ủng hộ đối với Ukraine, cũng như cam kết vững chắc đối với nước này.

Hai bên bày tỏ tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự và ngoại giao cần thiết cho Ukraine trong thời gian tới.

Vì mục tiêu này, Mỹ dự định cung cấp xe chiến đấu bộ binh Bradley và Đức dự định cung cấp xe chiến đấu bộ binh Marder cho Ukraine. Cả hai nước cũng đều có kế hoạch huấn luyện lực lượng vũ trang Ukraine. 

Trước đó, hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn tin ngày 5/1 cho biết Đức đang đàm phán với các đồng minh để gửi xe tăng tới Ukraine.

Quyết định của Pháp gửi xe bọc thép hạng nhẹ AMX-10 RC đến Ukraine càng thúc đẩy lời kêu gọi mới trong nội bộ liên minh của Thủ tướng Scholz, yêu cầu chính phủ gửi các phương tiện chiến đấu hiện đại hơn tới quốc gia Đông Âu trong cuộc xung đột với Nga.

[Mỹ và Đan Mạch thông báo viện trợ quân sự mới cho Ukraine]

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Đức Marie-Agnes Strack-Zimmermann, đồng thời là thành viên của đối tác cấp dưới - đảng Dân chủ Tự do (FDP) trong liên cầm quyền - đã kêu gọi Berlin gửi xe tăng Marder và huấn luyện sử dụng phương tiện này.

Người phát ngôn chính sách an ninh của đảng Xanh, cũng là một đối tác trong chính phủ liên minh, cho rằng Đức nên gửi cả xe tăng Marder và Leopard.

Trong khi đó, bà Saskia Esken, Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đứng đầu trong liên minh cầm quyền, cho biết Đức sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Chính phủ của Thủ tướng Scholz đã tăng chi tiêu quốc phòng, gửi viện trợ và vũ khí cho Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2 năm ngoái, nhưng cũng giống nhiều nước phương Tây khác, Đức đôi khi do dự trong việc gửi vũ khí do lo ngại nguy cơ xung đột trực tiếp với Moskva.

Nhà lãnh đạo Đức cũng khẳng định nói rõ ràng rằng ông không muốn “đơn phương độc mã” gửi vũ khí hạng nặng đến Ukraine và rằng ông sẽ phối hợp với các thành viên khác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại  Tây Dương (NATO) trong vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục