Hai thượng nghị sỹ Mỹ có kế hoạch đề xuất một dự luật trong tuần này nhằm cho phép chính phủ “cấm hoặc ngăn cản” các sản phẩm công nghệ nước ngoài như TikTok do Trung Quốc sở hữu.
Thông tin trên do Thượng nghị sỹ Mark Warner đưa ra hôm 5/3 trên chương trình Fox News Sunday.
Ông Warner, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, lưu ý nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok sẽ là "một trong những đối tượng tiềm năng" để xem xét theo dự luật.
Thượng nghị sỹ Warner bày tỏ lo ngại rằng TikTok "có thể là một công cụ tuyên truyền" dựa trên các loại video mà nền tảng này gửi cho người dùng.
Theo vị nghị sỹ này, khi cân nhắc các công nghệ nước ngoài tiến vào thị trường Mỹ, chính phủ phải xây dựng một cách tiếp cận có hệ thống để đảm bảo rằng nước này có thể cấm hoặc ngăn cản sử dụng nó khi cần thiết.
Ông Warrner cho biết ông dự định giới thiệu dự luật trong tuần này với Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa John Thune.
Người phát ngôn của ông Warner cho biết hai vị nghị sỹ dự kiến sẽ đưa ra thông báo chính thức vào thứ Ba (7/3 theo giờ địa phương). Tuy nhiên, chưa có bất cứ thông tin chi tiết nào về dự luật được đề xuất tính tới ngày 5/3.
Dự luật được đưa ra vào thời điểm TikTok đang chịu áp lực ngày càng lớn trước những lo ngại tính bảo mật dữ liệu.
Ngày 1/3, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 1/3 đã thông qua dự luật trao cho Tổng thống Joe Biden quyền cấm ứng dụng chia sẻ video TikTok.
Với 24 phiếu thuận và 16 phiếu chống, bản dự thảo Đạo luật Ngăn chặn các đối thủ công nghệ của Mỹ (DATA) đã được các nhà lập pháp nước thông qua dưới sự bảo trợ của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện - nghị sỹ đảng Cộng hòa Michael McCaul.
Dự luật trao cho chính quyền Mỹ quyền hạn mới để cấm TikTok - ứng dụng thuộc sở hữu của công ty ByteDance Ltd. (Trung Quốc), vốn được hơn 100 triệu người Mỹ sử dụng. Phe Dân chủ trong ủy ban đã phản đối dự luật trên.
Dự luật cần phải được toàn thể Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua trước khi được chuyển đến Tổng thống Biden.
Nhà Trắng tuần trước đã cho các cơ quan chính phủ 30 ngày để đảm bảo rằng TikTok không được cài đặt trên bất kỳ thiết bị và hệ thống liên bang nào.
Đây sẽ là lần hạn chế sâu rộng nhất của Chính phủ Mỹ đối với bất kỳ ứng dụng truyền thông xã hội nào.
[Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cấm TikTok]
Ngoài Mỹ, ngày càng có nhiều chính phủ bày tỏ lo ngại về vấn đề an ninh liên quan tới ứng dụng TikTok với lý do công ty Trung Quốc này có thể nắm giữ dữ liệu người dùng trên toàn thế giới.
Ngày 27/2, Canada đã chính thức cấm cài ứng dụng mạng xã hội TikTok lên tất cả các thiết bị của chính phủ, viện dẫn lý do an ninh.
Các cơ quan quản lý quyền riêng tư cấp tỉnh bang và liên bang của Canada cũng đang phối hợp điều tra ứng dụng trước những lo ngại về việc thu thập, sử dụng và tiết lộ thông tin cá nhân của nền tảng này.
Theo Thủ tướng Canada Justin Trudeau, sau khi chính phủ Canada cấm TikTok trên các thiết bị công, người dân, doanh nghiệp và các cá nhân ở Canada có thể sẽ suy nghĩ thêm về việc bảo mật dữ liệu cá nhân của họ và đưa ra lựa chọn phù hợp.
Ngày 28/2, Nghị viện châu Âu (EP) đã quyết định cấm nhân viên sử dụng ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok trong điện thoại cá nhân vì lý do an ninh.
Theo quan chức này, lệnh cấm cũng sẽ áp dụng đối với các thiết bị cá nhân có cài email của EP và các quyền truy cập mạng khác trên đó.
Trước đó, 23/2, Ủy ban châu Âu (EC) đã cấm cài đặt TikTok - ứng dụng chia sẻ video ngắn, trên các thiết bị chính thức mà nhân viên của ủy ban này sử dụng do quan ngại tính bảo mật dữ liệu trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực tăng cường an ninh mạng của khối.
Theo lệnh cấm mới nói trên, nhân viên của EC cũng không được phép sử dụng TikTok trên các thiết bị cá nhân, trong đó có điện thoại di động đã cài đặt các ứng dụng đàm thoại của EU.
Ngoài ra, EC yêu cầu các nhân viên của ủy ban này phải xóa ứng dụng TikTok càng sớm càng tốt và khuyến nghị thời điểm phù hợp nhất là từ nay đến ngày 15/3./.