Ngày 9/11, Nhà Trắng cho biết mục tiêu về một giải pháp hai nhà nước giữa Palestine và Israel khó có khả năng đạt được trong những tháng cuối cùng tại nhiệm sở của Tổng thống Barack Obama.
Tuy nhiên, chính quyền Mỹ đã bày tỏ hài lòng với tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng Tel Aviv vẫn cam kết với giải pháp hai nhà nước mà Washington đã thúc đẩy trong nhiều năm qua.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của Tổng thống Obama sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Netanyahu tại Nhà Trắng khẳng định an ninh của Israel là một trong những ưu tiên chính sách của Nhà Trắng, và rằng đây không phải là những tuyên bố suông mà bằng hành động cụ thể.
Trước đó, tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Netanyahu nói rằng Israel vẫn chưa từ bỏ hy vọng về một nền hòa bình, ủng hộ giải pháp "hai nhà nước cho hai dân tộc" nhưng với điều kiện bất kỳ nhà nước Palestine độc lập nào trong tương lai đều phải phi quân sự hóa và phải thừa nhận Israel là quê hương của người Do Thái.
Đây là một điều kiện mà người Palestine đã từng nhiều lần bác bỏ. Việc Israel tái cam kết ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập chung sống hòa bình bên cạnh Israel là một bước đi được nhìn nhận là "có thể làm hài lòng" chính quyền của Tổng thống Obama, bởi giải quyết cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa Israel và Palestine là một trong những ưu tiên đối ngoại của Nhà Trắng.
Chuyến thăm Mỹ và cuộc hội đàm ngày 9/11 giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Netanyahu là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo trong vòng 13 tháng qua.
Đây cũng là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Israel đầu tiên kể từ khi hai đồng minh này bùng nổ mâu thuẫn do Mỹ cùng các cường quốc trong Nhóm P5+1 ký hiệp định hạt nhân với Iran, quốc gia Hồi giáo bị Israel coi là kẻ thù hàng đầu trong khu vực.
Cuộc hội đàm mang tính hàn gắn quan hệ có thể cũng sẽ tạo thuận lợi hơn cho thỏa thuận viện trợ quân sự, theo đó trong 10 năm tới mỗi năm Mỹ cung cấp cho đồng minh Israel khoản viện trợ khoảng 5 tỷ USD.
Quan hệ Mỹ-Israel đang có dấu hiệu ấm dần lên sau những bất đồng liên quan đến thỏa thuận hạt nhân của các cường quốc với Iran, văn kiện mà Israel cho là một thất bại mở đường cho Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, tiến trình hòa bình Trung Đông đã bị đình trệ từ năm ngoái sau khi các nỗ lực ngoại giao của Mỹ không đem lại hiệu quả.
Trước khi diễn ra cuộc bầu cử quốc hội tại Israel đầu năm nay, Thủ tướng Netanyahu thậm chí khẳng định giải pháp hai nhà nước đã không còn tồn tại.
Trong khi đó, xung đột giữa người Palestine và Israel vẫn tiếp diễn trong những ngày qua, gây thương vong lớn cho cả hai bên, nhất là phía Palestine.
Các lực lượng an ninh và quân đội Israel ngày 9/11 đã thiết lập các trạm kiểm soát ở khắp khu vực quận Hebron ở phía Nam Bờ Tây, đồng thời tiếp tục tiến hành khám xét những người Palestine khả nghi.
Hồi tuần trước, một số đối tượng người Palestine đã bắn và làm bị thương hai công dân Israel ở khu Thành Cổ tại Hebron.
Các nguồn tin cho biết một trạm kiểm soát được lập ở trục đường chính giữa Hebron và thị trấn Halhul ở phía Bắc, nơi các binh sỹ Israel sẽ kiểm soát các xe cộ của người Palestine cũng như các hành khách khả nghi.
Một trạm kiểm soát khác được dựng lên ở lối vào trại tị nạn al-Fawwar ở phía Nam Hebron và một trạm ở khu vực ngã ba al-Haraeq gần với khu định cư bất hợp pháp Beit Haggai.
Ngoài ra, các lực lượng Israel còn lập thêm một trạm ở Wadi Sair trên tuyến đường phía Đông Hebron.
Những người chứng kiến cho biết một hàng dài xe cộ phải chờ đợi các binh sỹ Israel kiểm tra an ninh và cho phép đi qua các trạm kiểm soát.
Khu vực quận Hebron được coi là trung tâm của bạo lực kể từ sau làn sóng bạo động tràn qua vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng hồi tháng trước./.