Ngày 10/8, Mỹ tuyên bố muốn Trung Quốc giải thích nguyên nhân Bắc Kinh cần sở hữu tàu sân bay Thi Lang trong bối cảnh Washington ngày càng quan ngại trước sự thiếu minh bạch về các mục đích quân sự của gã khổng lồ Châu Á này.
Trả lời báo giới khi được hỏi liệu tàu sân bay này có làm gia tăng căng thẳng trong khu vực hay không, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói: "Chúng tôi mong chờ phía Trung Quốc sẽ giải thích về nhu cầu cần sở hữu trang thiết bị này."
"Đây là một phần trong mối quan ngại lớn hơn của chúng tôi về việc Trung Quốc không minh bạch như các quốc gia khác. Nước này không minh bạch như Mỹ công khai mua sắm quân sự và công khai ngân sách quốc phòng. Chúng tôi muốn có mối quan hệ cởi mở, minh bạch trong các vấn đề quân sự giữa hai nước," bà cho biết.
Theo bà Nuland, Trung Quốc và Mỹ "hiện chưa tới mức minh bạch" mà hai nước mong muốn.
Những bình luận trên được đưa ra vài giờ sau khi tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc hạ thủy để thử ra biển. Đây là một động thái có thể làm dấy lên các quan ngại về sự bành trướng quân sự và khẳng định lãnh thổ ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc.
Theo Tân Hoa xã, sáng cùng ngày, tàu sân bay Thi Lang đã rời xưởng đóng tàu ở cảng Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh ở miền Bắc để bắt đầu vận hành thử nghiệm.
Các nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết lần vận hành thử nghiệm đầu tiên này nằm trong kế hoạch và sẽ không kéo dài.
Sau lần thử nghiệm này, tàu sân bay Thi Lang sẽ tiếp tục được sửa chữa và vận hành thử nghiệm.
Tàu Thi Lang do Liên Xô chế tạo và có tên ban đầu là Varyag. Ukraine đã tháo dỡ khí tài và động cơ của tàu trước khi bán cho Trung Quốc./.